Công tác Tuyên giáoTin tức

Kỷ niệm 154 năm ngày sinh V.I. Lenin (22/4/1870 – 22/4/2024) – Nhà Lãnh tụ vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới

Vladimir Ilyich Lenin (V.I. Lenin) là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Karl Marx và Friedrich Engels. Ông là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng tháng Mười Nga, thành lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo.

  1. Tiểu sử của V.I. Lenin

Vladimir Ilyich Ulyanov sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là Ulyanovsk). Năm 1887, V.I. Lenin tốt nghiệp xuất sắc bậc Trung học và được tuyển thẳng vào khoa Luật của Đại học Tổng hợp Kazan. Sau đó, ông bị đuổi học do tham gia tuyên truyền cách mạng trong sinh viên. V.I. Lenin có nghị lực rất cao trong việc tự học. Năm 1891, ông đã thi đỗ tất cả các môn học của chương trình 4 năm khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Kazan với tư cách thí sinh tự do. Năm 1894, trong cuốn “Thế nào là những người bạn dân và học chiến đấu chống lại những người xã hội dân chủ như thế nào?” và năm 1899, trong cuốn “Sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Nga”, V.I. Lenin được thừa nhận là người lãnh đạo của nhóm Marxist ở Nga.

Năm 1895, V.I. Lenin thành lập ở Petersburg Hội liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân và tập hợp các nhóm cách mạng ở đây. Do bị tố giác, nhiều hội viên của Hội liên hiệp, trong đó có V.I. Lenin bị bắt. Sau 14 tháng bị cầm tù, tháng 2/1897, V.I. Lenin bị đi đày 3 năm ở miền Đông Siberia. Trong thời gian lưu đày, ông viết hơn 30 tác phẩm, trong đó có cuốn: “Sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở nước Nga” (1899). Năm 1900, sau thời hạn lưu đày, ông lại tập hợp những người Marxist cách mạng thành lập đảng. Chính quyền Nga hoàng cấm V.I. Lenin sống ở Thủ đô và các thành phố lớn. Do đó, ông phải ra nước ngoài, cùng với Plekhanov lập ra tờ báo “Tia lửa”.

Thực tiễn hoạt động cách mạng của V.I. Lenin vô cùng phong phú. Ông là người đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga; chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Công nhân Dân chủ xã hội Nga – tiền thân của Đảng Cộng sản Bolshevik Nga, một đảng vô sản kiểu mới đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Nga làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại và thực hiện sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Xô Viết. V.I. Lenin chính là người đã làm chủ nghĩa Marx từ lý luận trở thành hiện thực.

Ngày 16/4/1917, V.I. Lenin đến Petersburg để trình bày bản Luận cương tháng Tư, thực chất đây là một văn kiện mang tính cương lĩnh đề ra đường lối giành chiến thắng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với khẩu hiệu: “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô Viết!”. Hội nghị lần thứ VII toàn Nga (tháng 4/1917) của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga đã nhất trí thông qua đường lối cách mạng do V.I. Lenin đề ra.

Đêm 6/11/1917, khởi nghĩa vũ trang bắt đầu nổ ra ở Thủ đô Petrograd do V.I. Lenin trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang nhằm lật đổ Chính phủ tư sản lâm thời và thiết lập chính quyền Xô Viết. Đến đêm ngày 7/11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga toàn thắng. Chính quyền về tay nhân dân. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời.

V.I. Lenin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong Lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7/11/1918.

Đầu tháng 3/1919, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) được thành lập tại Moskva dưới sự lãnh đạo của V.I. Lenin. Trong diễn văn cuối cùng đọc tại hội nghị toàn thể Xô Viết đại biểu thành phố Moskva (ngày 20/11/1922), V.I.Lenin tin tưởng rằng thi hành chính sách NEP nước Nga sẽ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa.

Ngày 21/4/1924, V.I.Lenin qua đời ở làng Gorki, gần thủ đô Moskva. Thi hài được lưu giữ trong lăng Lenin trên Quảng trường Đỏ, Moskva cho tới nay. Tại nước Nga hiện nay, tên của ông được đặt cho một tỉnh của Nga là tỉnh Leningrad, nằm sát cố đô Saint Petersburg, nơi V.I. Lenin lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười; thành phố quê hương của Lenin thì được đặt tên là Ulyanovsk để tưởng nhớ ông.

  1. Vận dụng “Con đường cách mạng vô sản của Lenin” ở Việt Nam

Cách mạng Việt Nam đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I. Lenin vào thực tiễn. Khát vọng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước đã thôi thúc Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước. Người đã gặp được “Sơ thảo lần thứ nhất về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lenin. “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” (Hồ Chí Minh).

Từ ngày 25 – 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem những tư tưởng của V.I. Lenin và bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga là “cẩm nang thần kỳ”. Người tiếp thu, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam đủ uy tín, năng lực lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945; Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến – Quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, Chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi (ảnh trái); trưa 30/4/1975, xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (ảnh phải).

Sau 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; nhân dân có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, mở rộng và phát huy; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh được giữ vững; độc lập, chủ quyền được bảo đảm; vị thế và uy tín đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế… Những thành tựu đó là nhờ Đảng ta trung thành, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

 

Tài liệu tham khảo

[1] “Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Hệ thống tư liệu – văn kiện Đảng,” https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/v-i-lenin/tieu-su-cuoc-doi-va-su-nghiep/tieu-su-v-i-lenin-154
[2] “Tạp chí cộng sản,”                             https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/phong-su-anh-tap-chi-cong-san/-/asset_publisher/RnEb4bkC9pdc/content/ky-niem-150-nam-ngay-sinh-v-i-le-nin-22-4-1870-22-4-2020-lanh-tu-vi-dai-cua-cach-mang-vo-san-the-gioi
[3] Ảnh: Tư liệu/ TTXVN