Công tác Tuyên giáoTin tức

Phát huy vai trò của Đội ngũ Doanh nhân trong quá trình Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá

Quan điểm chung về đội ngũ doanh nhân và vai trò của đội ngũ doanh nhân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế tại Việt Nam

Doanh nhân Việt Nam là sản phẩm của quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), chủ yếu được hình thành trong thời kỳ đổi mới. Theo thống kê của Đỗ (2009), tại Việt Nam có hàng chục đinh nghĩa về doanh nhân, với những quan niệm và tiêu chí xác định khác nhau. Một cách phổ quát nhất, doanh nhân, theo Đỗ (2009), là “đội ngũ những người làm nghề kinh doanh, trước hết là bộ phận những người chủ sở hữu, lãnh đạo, quản lý, hoạt động nghiệp vụ kinh doanh (có mục tiêu vị lợi) của các hộ gia đình và doanh nghiệp”. Cụ thể hơn, đội ngũ doanh nhân Việt Nam bao gồm 5 nhóm chính (Nguyễn & Dương, 2017):

  • Những người điều hành, quản lý hoặc sở hữu các doanh nghiệp vừa và nhỏ
  • Những người quản lý, điều hành, làm nghiệp vụ kinh doanh trong các doanh nghiệp nhà nước
  • Những người quản lý, điều hành, làm nghiệp vụ kinh doanh cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
  • Những người làm chủ trong các trang trại, hợp tác xã, cơ sở kinh tế phi nông nghiệp và các hộ gia đình nông dân hoạt động sản xuất kinh doanh có đăng ký thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp
  • Những doanh nhân gốc Việt (mang quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước sở tại) điều hành, quản lý, sở hữu hoặc làm nghiệp vụ kinh doanh ở nước ngoài.

Vai trò của đội ngũ doanh nhân được khẳng định rõ nét nhất trong Nghị quyết số số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế: “Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế”. Đội ngũ doanh nhân được coi là lực lượng sẽ tạo ra nhiều đột phá cho sự phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nghị quyết 09 cũng đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2020, nước ta có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Tiếp nối quan điểm này, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đề ra nhiệm vụ phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Chiến lược này đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tại Việt Nam sẽ có ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp, đến năm 2030 đạt 2 triệu doanh nghiệp, và tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt từ 60 – 65%.

Tình hình phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam

Sau hơn 10 năm Nghị quyết số 09-NQ/TW được ban hành, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Lực lượng doanh nghiệp của Việt Nam phát triển nhanh với tốc độ trung bình đạt 7,4%/năm, đạt khoảng 860.000 doanh nghiệp vào năm 2022 (Bùi, 2022). Nếu như năm 2013, cả nước chỉ có 2 triệu doanh nhân thì tới năm 2022, con số này tại Việt Nam đạt khoảng 7 triệu người (tăng 250%). Doanh nhân được coi là lực lượng nòng cốt trong việc huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, qua đó phần thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Đặc biệt, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ doanh nhân có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển giao khoa học – công nghệ, phương thức kinh doanh và phương pháp quản lý kinh tế tiên tiến của thế giới về Việt Nam sự nghiệp CNH. Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (2023), năm 2022, Việt Nam có trên 64.000 doanh nghiệp công nghệ số và gần 1.000 sản phẩm, dịch vụ công nghệ, thông tin và truyền thông mang thương hiệu Việt Nam. Một thế hệ doanh nhân mới với tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã và đang được hình thành, với hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, đưa nước ta trở thành quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp cao nhất Đông Nam Á (Lê, 2022). Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang góp phần thúc đẩy lối sống tích cực, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu để tạo ra những giá trị tích cực cho bản thân, gia đình và xã hội. Họ không chỉ có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế, tạo ra tác động xã hội sâu rộng, mà còn ghi tên trên thị trường quốc tế với những sản phẩm “made in Vietnam” chất lượng, có giá trị thương hiệu cao.  Năm 2022, có 5 doanh nghiệp Việt Nam lọt vào danh sách 2000 công ty lớn nhất thế giới (Global 2000) theo tạp chí Forbes, bao gồm Tập đoàn Hòa Phát, và 4 ngân hàng: BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Techcombank (Bảo, 2022).

Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức trong thời kỳ mới, cũng như sự tác động sâu rộng của khoa học – công nghệ trên mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội cũng đặt ra nhiều thách thức cho đội ngũ doanh nhân tại Việt Nam. Mức độ cải thiện, đổi mới mô hình kinh doanh và ứng dụng khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay) chưa đáp ứng yêu cầu. Đây cũng là một trong những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19 và thích ứng với những xu hướng mới của thị trường. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận doanh nhân chưa tự giác tuân thủ pháp luận, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi phi pháp. Những sự việc gần đây xảy ra tại các tập đoàn lớn như Tân Hoàng Minh, FLC cho thấy có những doanh nhân thành đạt, điều hành các doanh nghiệp lớn nhưng lại không phát huy tốt đạo đức và văn hóa doanh nhân, gây nên thiệt hại lớn cho nền kinh tế, cũng như làm trầm trọng thêm các tiêu cực xã hội.

Định hướng giải pháp nhằm phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam

Thứ nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với phát huy vai trò của doanh nhân, tiếp tục phát huy quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 09 “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân.” Công tác phát triển Đảng cho đội ngũ doanh nhân cần được đẩy mạnh, đặc biệt là ở các doanh nghiệp lớn, hoạt động trong các ngành nghề có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân là Đảng viên cần gương mẫu đi đầu, trở thành tấm gương về phẩm chất đạo lức, lối sống, có tinh thần trách nhiệm xã hội và văn hóa kinh doanh.

Thứ hai, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện môi trường kinh doanh, thể chế đầu tư gắn với chủ trương, chính sách phát triển đất nước theo hướng CNH, HĐH. Việc tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng để đội ngũ doanh nhân tiếp tục phát huy vai trò của mình. Các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng cần được công khai và minh bạch hóa để bảo đảm quyền lợi đầu tư và giảm thiểu rủi ro kinh doanh cho doanh nhân, doanh nghiệp; đồng thời hạn chế tình trạng tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm giữa doanh nhân với những người hoạch định chính sách. Đảng và Nhà nước cần tiếp tục khuyến khích tinh thần trách nhiệm xã hội và kinh doanh có đạo đức, thượng tôn pháp luận trong lực lượng doanh nhân, đồng thời xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân có hành vi vi phạm pháp luật, gây ra những hệ lụy kinh tế – xã hội tiêu cực.

Thứ ba, vai trò của các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân cần tiếp tục được phát huy. Những tổ chức như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội doanh nghiệp… chính là tiếng nói đại diện của đội ngũ doanh nhân. Thông qua các tổ chức này, Đảng và Nhà nước có thể nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ doanh nhân, từ đó xây dựng và triển khai những chính sách phù hợp, đảm bảo hài hòa về lợi ích của doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động, cộng đồng; đóng góp vào mục tiêu phát triển chung của quốc gia. Những tổ chức này cũng góp phần thúc đẩy sự hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp và doanh nhân trong và ngoài nước, qua đó nâng cao sự cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Tác giả: Chi bộ 5

Tài liệu tham khảo