Công tác Tuyên giáoTin tức

NGUYỄN LƯƠNG BẰNG – NHÀ LÃNH ĐẠO TIÊN PHONG, TÀI NĂNG, MẪU MỰC CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

  1. Khái lược Tiểu sử cách mạng

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng thường được các đồng chí cùng thời gọi là “Anh Cả” sinh ngày 02/04/1904 tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm (nay là xã Thanh Tùng), huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước. Đồng chí là thế hệ Đảng viên đầu tiên thời kỳ vận động thành lập Đảng, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng tin tưởng giao phó nhiều chức vụ quan trọng như: Trưởng Ban Kinh tế – Tài chính Trung ương (1947-1951); Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (1951-1952); Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô (1952-1956); Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương (1955-1969); Tổng Thanh tra Chính phủ (1956-1965); Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1969-1976) và Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1976-1979).

Với 75 tuổi đời, hơn nửa thế kỷ phấn đấu hoạt động cách mạng dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một tấm gương sáng về một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một lãnh đạo tiền bối tiêu biểu hết lòng vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Đồng chí được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng vì những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

  1. Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
    • Đồng chí Nguyễn Lương Bằng- người chiến sĩ Cộng sản tiên phong, tài năng

Năm 1925, trên hành trình vừa lao động kiếm sống, vừa tìm con đường đấu tranh yêu nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu và được kết nạp vào hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và theo học lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy.

Tháng 9 năm 1926, đồng chí rời Quảng Châu về Hải Phòng và bắt đầu quá trình thiết lập hệ thống liên lạc giữa trong nước và nước ngoài, xây dựng đội ngũ cán bộ, gây dựng các cơ sở tổ chức cách mạng tại Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, góp phần quan trọng trong việc đưa thanh niên trong nước ra nước ngoài học tập, đồng thời chuyển tài liệu, sách báo cách mạng, chủ nghĩa Mác- Lê nin và tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam.

Tháng 10 năm 1927, nhận nhiệm vụ của Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vào Sài Gòn hoạt động và góp phần to lớn trong việc thành lập hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và phong trào cách mạng ở miền Nam, thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức Cộng sản, làm tiền đề cho sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tháng 10 năm 1929, đồng chí được kết nạp vào An Nam Cộng Sản Đảng và là một trong những Đảng viên Cộng Sản thế hệ đầu tiên, được giao nhiệm vụ đi Thượng Hải xây dựng cơ sở cách mạng trong Việt Kiều và binh lính người Việt Nam. Bằng nhiệt huyết, năng động, đồng cảm , gần gũi với kiều bào cùng với sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã vận động và thành lập được được nhiều tổ chức của công nhân và binh lính người Việt ở nước ngoài như Hội Tương Tế, Hội Binh Lính, báo Kèn Gọi Lính…

Xuyên suốt quá trình hoạt động cách mạng đầy cam go và thử thách, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã từng bước trưởng thành, khẳng định được phẩm chất, tài năng và uy tín của mình. Đồng chí là người tiên phong trong tổ chức được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó những nhiệm vụ mới, khó và chưa có tiền lệ của cách mạng như phụ trách công tác tài chính của Đảng và tổng bộ Việt Minh, xây dựng chính sách tài chính đúng đắn, có nhiều sáng kiến hay từng bước giải quyết được yêu cầu tài chính của Đảng, góp phần tạo ra những điều kiện cần thiết cho sự thành công của Cách mạng tháng 8 năm 1945. Cũng trong năm 1945, tại Hội nghị Toàn quốc của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và được Đại hội Quốc dân Tân Trào bầu vào Ban Thường trực của Ủy Ban Dân tộc Giải phóng gồm 5 người do Chủ Tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Đồng chí cũng tham gia phái đoàn của chính quyền cách mạng tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại – vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến ở nước ta.

Sau năm 1945, tài năng của đồng chí càng được khẳng định qua các chức vụ được giao phó như Trưởng ban Kinh tế – Tài chính Trung ương, Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Thanh tra Trung ương của Chính Phủ, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Phó Chủ tịch Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Khi xem lại từng hoàn cảnh lịch sử, trong những điều kiện vô cùng khó khăn, phức tạp của Đảng ta từ lúc mới hình thành đến cho đến lúc hoà bình, ta mới thấy hết được vai trò tiên phong, tài năng lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Ở vị trí, chức vụ nào, đồng chí cũng để lại dấu ấn sâu sắc, góp phần quan trọng vào những thắng lợi to lớn của Cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20.

  • Nguyễn Lương Bằng- người cộng sản trung kiên, mẫu mực

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng từ năm 13 tuổi đã phải tự lập kiếm sống, tự học tập. Những khó khăn từ thuở thiếu thời cùng thực tiễn cách mạng đã góp phần chui rèn ra một một thanh niên, một chiến sĩ cộng sản với ý chí can trường, trí tuệ, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, không ngừng vượt lên mọi hoàn cảnh để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao phó.

Trong suốt 20 năm hoạt động cách mạng dưới chế độ thực dân, đồng chí đã bị địch bắt 3 lần. Đồng chí đã trải qua  hành trình bị giam giữ tại Bốt Canina (Sài Gòn), nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhà lao Hải Dương và nhà tù Sơn La. Trong những năm tháng bị giam cầm, mặc cho chế độ nhà tù đầy ải, khắc nghiệt, với đủ mọi thủ đoạn thâm độc từ dụ dỗ mua chuộc đến tra tấn dã man, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vẫn trước sau như một, nêu cao khí tiết của người Cộng Sản, tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, mưu trí. Đồng chí cũng là một trong những người đi đầu trong công cuộc đấu tranh chống lại chế độ lao tù hà khắc, nêu cao tinh thần bất khuất trước kẻ thù. Đồng chí vận động mọi người tuyệt thực, làm cho máu chảy, thậm chí phải mổ bụng để kẻ thù nhượng bộ (1). Cùng với các đồng chí của mình, Nguyễn Lương Bằng đã biến nhà tù thành “trường học Cách mạng”, ra sức học tập, rèn luyện nhằm giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của Đảng. Đã 2 lần đồng chí quyết tâm anh dũng, tổ chức vượt ngục thành công để về với Đảng, với Cách mạng

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một trong những tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực, là người học trò xuất sắc được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ dạy. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, bạn bè và đồng đội đã dành cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng những tên gọi thân thương như “Anh Cả”, “Sao Đỏ”, coi đó là biểu tượng mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em. Điều đó thể hiện sự ngưỡng mộ của những nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, cùng thế hệ với đồng chí Nguyễn Lương Bằng, không chỉ xuất phát từ những công lao mà còn bắt nguồn từ chính những phẩm chất đạo đức cao đẹp của đồng chí: nói đi đôi với làm, không ham danh vị, quyền lợi, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Cách mạng và Nhân dân lên trên hết.

Năm 1945, khi Chính Phủ Liên Hiệp vừa được thành lập, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và một số đồng chí khác của Đảng và Mặt Trận Việt Minh đã chủ động rút khỏi Chính phủ lâm thời để nhường chổ cho những trí thức tiêu biểu tham gia. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích của cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học tập.” (2)

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng còn là một trong những người đầu tiên đề xuất việc học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của mỗi Đảng viên. Theo Đồng chí, học tập, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh là học tập, noi gương những quan điểm của Người về “Đảng viên phải hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân chứ không phải để ngồi trên đầu trên cổ nhân dân, phục vụ cho mình, phục vụ cho gia đình mình. Đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải thật sự phản đối quan liêu, lãng phí, tham ô, cá nhân chủ nghĩa”. Đó là học tập quan điểm “Lối sống cách mạng là lối sống có lập trường giai cấp, có quan điểm quần chúng, có kỷ luật tự giác và đạo đức cách mạng”; quan điểm “Lối sống có quan hệ mật thiết đến nhân phẩm và đạo đức của người đảng viên, đến ảnh hưởng và sức chiến đấu của Đảng”; “Lối sống cách mạng của người cán bộ, đảng viên có quan hệ mật thiết đến thanh danh, uy tín, sức chiến đấu của Đảng, đến thành tích và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng”. Đồng chí cho rằng, “có nhận thức rõ như thế mới thấy cần phải rèn luyện lối sống cách mạng, phải kiên quyết chống lại lối sống cá nhân chủ nghĩa của giai cấp tư sản và các giai cấp không vô sản khác” (3).

Trên tinh thần đó, đồng chí xác định, phải “Tiếp tục và phát huy gương sáng của người trước, tiêu biểu và mẫu mực cho chúng ta ngày nay, đó là lối sống cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (4), bởi theo đồng chí, “Đời sống của Người, con người của Người, suốt năm, sáu chục năm nay, thực là tấm gương sống về lối sống cách mạng cần cù, giản dị, tiết kiệm, trong sạch và lành mạnh” (5).

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, chúng ta cần không ngừng học tập, rèn luyện, quyết tâm kế thừa xứng đáng sự nghiệp cách mạng cao cả được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối truyền lại nhằm nâng cao tính đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động nhằm xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, giàu mạnh.

Thực hiện Chi bộ 5, ngày 30/03/2024

———————————————————————————————–

(1) Theo “Tiểu sử Nguyễn Lương Bằng”, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2015, tr.94.

(2) Theo “Hồ Chí Minh: Toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.26.

(3) Theo “Anh Cả Nguyễn Lương Bằng”, Sđd, tr.369-376.

(4) Theo “Anh Cả Nguyễn Lương Bằng”, Sđd, tr.377.

(5) Theo “Anh Cả Nguyễn Lương Bằng”, Sđd, tr.377.