Công tác Tuyên giáoTin tức

Giới thiệu tóm lược về quá trình ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam và quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ Trường Đại học Quốc tế.

  1. Tóm lược Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, quá trình hình thành và phát triển

Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị, đã trải qua 94 năm lịch sử phát triển từ khi thành lập vào ngày 3 tháng 2 năm 1930. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dẫn dắt dân tộc qua các giai đoạn đấu tranh đầy khó khăn, với những chiến thắng vĩ đại.

Lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với những cuộc chiến tranh và cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, và sự phát triển của đất nước Việt Nam ta. Từ Chiến tranh Đông Dương, cuộc chiến tranh Việt Nam chống Mỹ, đến quá trình đổi mới và hiện đại hóa đất nước, Đảng đã không ngừng điều chỉnh và phát triển chính sách, chiến lược phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và môi trường quốc tế.

  • Bối cảnh lịch sử:

Từ đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản thế giới đã phơi bày toàn bộ tính chất thối nát của nó. Nhân dân lao động trên thế giới sống dưới ách cai trị của giai cấp tư sản và địa chủ đã đứng lên đấu tranh, nhưng chủ yếu là đấu tranh về kinh tế. Giữa thế kỷ XIX, học thuyết Mác ra đời, kết tinh tinh hoa lý luận chính trị thế giới, xâm nhập vào phong trào công nhân làm cho giai cấp công nhân giác ngộ về sứ mệnh lịch sử của mình.

V.I. Lê nin đã vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, phát hiện ra sự phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản, từ đó nêu lên quan điểm về sự thắng lợi của một cuộc cách mạng vô sản ở một số nước, hoặc thậm chí ở một nước với chủ nghĩa tư bản phát triển ở trình độ trung bình như nước Nga. Cuộc Chá mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Na năm 1917 nổ ra thành công là kết quả nhận thức đó của V.I. Lê nin. Cách mạng Tháng Mười Nga đã tác động tích cực đến các cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ở Châu Á, chế độ phong kiến tồn tại khá lâu so với các châu lục khác. Châu Á phong kiến của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX vẫn là châu Á với xã hội trì trệ, sự phân hóa xã hội chậm chạp. Đầu thế kỷ XX, tư tưởng tư sản cũng đã có ảnh hưởng đến một số nước. Nổi bật nhất là ở Nhật Ban, khi nước này tiếp tục tư tưởng canh tân của Minh Trị từ năm 1868 để từng bước thoát khỏi nguy cơ thuộc địa của các nước phương Tây, tiến lên chủ nghĩa tư bản. Tại Trung Quốc, cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) theo tư tưởng dân chủ tư sản, do Tôn Trung Sơn lãnh đạo và các phong trào khác theo tư tưởng tư sản cũng có ảnh hưởng lớn đến phong trào yêu nước ở Việt Nam.

Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, Việt Nam bị đế quốc Pháp dòm ngó. Năm 1858, Pháp xâm lược Việt Nam. Chính quyền phong kiến Việt Nam từng  bước đầu hàng. Thực dân Pháp thành lập Liên bang Đông Dương thuộc Pháp gồm có các xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ (của Việt Nam), Cao Miên (sau này gọi là Campuchia), Ai Lao (sau này gọi là Lào), với các hình thức cai trị khác nhau. Với việc thành lập Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, Quốc hiệu Việt Nam bị mất trên bản đồ thế giới, xã hội Việt Nam phong kiến độc lập bị biến thành xã hội thuộc địa và phong kiến.

Thực dân Pháp thực thi chính sách cai trị ở Đông Dương với chế độ áp bức chính trị hà khắc, khai thác, bóc lột kinh tế và nô dịch văn hóa nặng nề. Chúng tiến hành các đợt khai thác thuộc địa lớn; đưa phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa Pháp vào Đông Dương trong khi vẫn duy trì phương thức sản xuất phong kiến.

Quá trình cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhất là do tác động trực tiếp của các đợt khai thác thuộc địa, đã làm cho xã hội Việt Nam biến đổi.

Giai cấp công nhân Việt Nam được hình thành với việc thực dân Pháp thiết lập các nhà máy, công xưởng, khu đồn điền. Công nhân Việt Nam tuyệt đại đa số xuất thân trực tiếp từ người nông dân thiếu ruộng đất hoặc không có ruộng đất. Từ số lượng ít ỏi cuối thế kỷ XIX, cùng với nhịp độ khai thác thuộc địa ngày càng tăng của thực dân Pháp, số lượng giai cấp công nhân Việt Nam trong ba thập niên đầu thế kỷ XX đã tăng lên đáng kể (khoảng hơn 250.000 người). Giai cấp công nhân Việt Nam có mâu thuẫn dân tộc sâu sắc đối với thực dân xâm lược. Lúc đầu, giai cấp công nhân Việt Nam có tinh thần đấu tranh dân tộc và giai cấp nhưng ở trình độ tự phát. Càng về sau, nhất là từ thập niên thứ ba của thế kỷ XX trở đi, khi chủ nghĩa Mác-Lê nin từng bước được truyền bá vào Việt Nam thì phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chuyển sang trình độ tự giác, tức là không chỉ đấu tranh kinh tế mà còn đấu tranh chính trị chống lại giai cấp tư sản, đồng thời đấu tranh giải phóng dân tộc.

Như vậy, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Việt Nam đã có sự biến đổi rất quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội. Xã hội Việt Nam nổi lên mâu thuẫn rất lớn là mâu thuẫn dân dân tộc. Tất cả các giai cấp, tầng lớp đều có một “mẫu số chung”, đều có nhu cầu bức thiết đánh đổ ách xâm lược của thực dân Pháp, giải phóng đất nước.

  • Sự ra đời của Đảng:

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 là kết quả sự kết hợp của các yếu tố sau đây:

  • Phong trào yêu nước: Tiêu biết nhất là ba phong trào: 1) Phong trào do các sĩ phu phong kiến lãnh đạo; 2) Phong trào theo tư tưởng tư sản mà tiêu biểu là phong trào của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh lãnh đạo; phong trào của Việt Nam Quốc dân Đảng; 3) Phong trào của tổ chức yêu nước khác có xu hướng vô sản.
  • Phong trào công nhân: Từ năm 1925 trở đi, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam phát triển mạnh. Hàng loạt các cuộc đấu tranh của công nhân ở Việt Nam phát triển mạnh. Hàng loạt các cuộc đấu tranh của công nhân ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ trong cả nước. Trong nhiều cuộc đấu tranh, phong trào này chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác-Lê nin. Điều đó ảnh hưởng lớn và tích cực đến quá trình giai cấp công nhân Việt Nam chuyển từ tự phát lên tự giác, ý thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình là lãnh đạo cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, đưa đất nước phát triển theo mục tiêu chủ nghĩa cộng sản.
  • Chủ nghĩa Mác-Lê nin: Chủ nghĩa Mác – Lê nin vào Việt Nam bằng các con đường: 1) Qua hoạt động của Nguyễn Ái Quốc; 2) Qua sách báo; 3) Qua tuyên truyền từ những nhà yêu nước có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản; 4) Qua các cán bộ được đào tạo, huấn luyện theo hệ tư tưởng vô sản, đặc biệt là qua những người học tại các trường của Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô, qua các lớp của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; 5) Qua việc “chuẩn bị đất” để gieo những hạt giống, gieo những tư tưởng vô sản một cách ngoài ý muốn của chế độ hà khắc thực dân và phong kiến ở Việt Nam.
  • Ba yếu tố trên đây được Nguyễn Ái Quốc tác động thông qua sự hoạt động năng nổ khi Người tìm thất mục tiêu và con đường cứu nước mới, đúng đắng, con đường giải phóng dân tộc theo lý luận Mác – Lê nin, đưa đất nước tiến đến mục tiêu chủ nghĩa cộng sản. Đóa là kết quả của quá trình ra đi tìm mục tiêu và con đường cứu nước của Người từ Sài Gòn năm 1911 đến khi trở thành người cộng sản từ cuối năm 1920 và sau đó là cả quá trình phấn đấu bền bỉ chuẩn bị về mọi mặt cho sự ra đời cảu Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về tư tưởng: Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần bản chất của chủ nghĩa đế quốc, tập hợp lực lượng và tuyên truyền con đường cách mạng vô sản.

Về chính trị: Nguyễn Ái Quốc đưa ra những luận điểm quan trọng về cách mạng giải phóng dân tộc. Người xác định, cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới; giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở “chính quốc” có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau, nhưng cách mạng giải phòng dân tộc ở nước thuộc địa không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở “chính quốc” mà có thể thành công trước cách mạng vô sản ở “chính quốc” góp phần tích cực thúc đẩy cách mạng vô sản ở “chính quốc”.

Về tổ chức: Sau khi lựa chọn con đường cách mạng vô sản cho dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh thực hiện “lộ trình”: “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. Vì vậy, sau một thời gian hoạt động ở Liên Xô để tìm hiểu, khảo sát thực tế về cách mạng vô sản, tháng 11-1924, Người đến Quảng Châu (Trung Quốc) – nơi có đông người Việt Nam yêu nước hoạt động – để xúc tiến các công việc tổ chức thành lập đảng cộng sản. Tháng 2-1925, Người lựa chọn một số thanh niên tích cực trogn Tâm tâm xã, lập ra nhón Cộng sản đoàn. Tháng 6-1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc), nòng cốt là Cộng sản đoàn, một tổ chức được coi là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 4-1927, sau sự biến chính trị ở Trung Quốc, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chấm dứt hoạt động ở Quảng Châu. Sau đó, các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc trong các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho những người Việt Nam yêu nước ở Quảng Châu, được Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản thành cuốn Đường cách mệnh. Đây là cuốn sách chính trị đầu tiên của cách mạng Việt Nam, trong đó tầm quan trọng của lý luận cách mạng và đối với đảng cách mạng tiên phong trong tương lai.

Ở trong nước, từ đầu năm 1926, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã bắt đầu phát triển cơ sở ở trong nước, đến đầu năm 1927. Các kỳ bộ được thành lập. Ngoài ra, Hội còn chú trọng xây dựng cơ sở trong Việt kiều ở Xiêm.

Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là tổ chức trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác – lê nin vào Việt Nam và cũng là sự chuẩn bị quan trọng về tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng của giai cấp công nhân ở Việt Nam. Những hoạt động của Hội có ảnh hưởng và thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển biến của phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam những năm 1928-1929 theo xu hướng cách mạng vô sản.

Do sự liên hệ tác động bởi các yếu tố trên đây, đặc biệt là sự hoạt động chuẩn bị của Hồ Chí Minh, từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930, tại Việt Nam đã hình thành 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ, An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ.

Cuối năm 1929, nhận được tin có các tổ chức cộng sản Việt Nam và nhận thức rõ những điều kiện thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam đã chin muồi, “với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương”, Hồ Chí Minh từ Xiêm đến Hồng Kông triệu tập và chủ trì Hội nghị đầu năm 1930 hợp nhất các tổ chức cộng sản thành đảng cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo trong xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời đối mặt với nhiều thách thức mới từ môi trường kinh tế, chính trị, xã hội và quốc tế. Đảng cam kết tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và tiến bộ của đất nước.

Đảng ta đã xác định mục tiêu, định hướng sắp tới như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết trong Bài viết nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng như sau:

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang chung sức đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ và thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn và thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời, khởi động quá trình chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Đại hội XIV sẽ đi sâu kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó rút ra những bài học quan trọng; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong 5 năm tới (2026-2030); tiếp tục thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021-2030).

Đại hội XIV sẽ lại là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, có ý nghĩa định hướng tương lai; khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định đây là sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo về vững chắc Tổ quốc; phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Nước ta sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.”

Hơn thế nữa chúng ta cùng tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp, sáng rỡ như lời kết của bài viết mà Tổng bí thư đã nêu:

“Tiếp tục trên chặng đường vinh quang dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vô cùng yêu dấu của chúng ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, Đảng ta, Đất nước ta và Dân tộc ta sẽ tiếp tục hướng tới năm 2030, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, nước ta trở thành nước có nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng “cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và Dân tộc Việt Nam anh hùng; tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cách mạng chân chính và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”

  1. Quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ Trường Đại học Quốc tế

Căn cứ Quyết định số 260/2003/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Đảng ủy Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Chi bộ Trường Đại học Quốc tế từ tháng 05 năm 2004, do đồng chí Bùi Quốc Định làm Bí thư; Sau khi đồng chí Bùi Quốc Định bị bệnh và qua đời, Đảng ủy Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phân công đồng chí Hồ Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng nhà trường làm Bí thư chi bộ lâm thời để chỉ đạo công tác Đảng và hoạt động trong trường.

Đại hội Chi bộ Trường Đại học Quốc tế ngày 18 tháng 10 năm 2005 với 15 đồng chí đảng viên, đã bầu đồng chí Hồ Thanh Phong giữ chức Bí thư Chi bộ, đồng chí Chu Quốc Thắng giữ chức Phó Bí thư và đồng chí Trần Thị Thanh Lịch là Chi ủy viên tại Quyết định số 94-QĐ/TV. Chi bộ chia làm 3 tổ đảng: Tổ Đảng Quản trị Thiết bị có 4 đồng chí, Tổ Đảng Kế hoạch Tài chính có 5 đồng chí và Tổ Đảng Hành chính – Giảng viên có 06 đồng chí.

Đến ngày 07 tháng 01 năm 2009 Đảng ủy Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định thành lập Đảng bộ Trường Đại học Quốc tế với 37 Đảng viên, chia làm 4 chi bộ: Chi bộ 1; Chi bộ 2; Chi bộ 3 và Chi bộ Sinh viên. Và các nhiệm kỳ của Đảng bộ Trường Đại học Quốc tế như sau:

  • Nhiệm kỳ I: Giai đọan 2005-2010, gồm giai đoạn từ Chi bộ và chuyển thành Đảng bộ và các nhân sự trong Ban Chấp hành như đã nêu trên.
  • Nhiệm kỳ II: Giai đoạn 2010-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Quốc tế có 7 đồng chí, gồm Bí thư là đồng chí Hồ Thanh Phong; Phó Bí thư là đồng chí Trần Quỳnh Hoa; Đảng ủy viên gồm các đồng chí: Trương Quang Được, Phan Thế Hoàng, Hoàng Vân, Trần Thị Thanh Lịch, Đào Thị Kim Oanh.
  • Nhiệm kỳ III: Giai đoạn 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Quốc tế có 9 đồng chí, gồm Bí thư là đồng chí Hồ Thanh Phong; Phó Bí thư là đồng chí Trần Tiến Khoa; Ủy viên Ban thường vụ là đồng chí Trần Quỳnh Hoa; Đảng ủy viên là các đồng chí: Hồ Nhựt Quang, Lê Văn Cảnh, Hoàng Vân, Trần Thị Thanh Lịch, Đào Thị Kim Oanh, Lê Đức Phúc.
  • Nhiệm kỳ IV: Giai đoạn 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ trường Đại học Quốc tế tại Đại hội tổ chức ngày 23 và 25 tháng 5 năm 2020 đã bầu ra Ban chấp hành gồm: Đồng chí Hồ Nhựt Quang giữ chức Bí thư Đảng ủy; Đồng chí Trần Tiến Khoa giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy; Đồng chí Trần Quỳnh Hoa là Ủy viên Ban Thường vụ và các đồng chí ủy viên gồm các đồng chí sau: Đồng chí Trần Thị Thanh Lịch, Mai Linh, Nguyễn Văn Sinh, Trần Vĩnh Linh và Nguyễn Đăng Quang.
  • Đến tháng 1 năm 2024, sau khi có một số thay đổi về nhân sự, Ban Chấp hành Đảng bộ hiện có 06 đồng chí gồm Bí thư là đồng chí Hồ Nhựt Quang, Phó Bí thư là đồng chí Lê Văn Thăng, Ủy viên Ban thường vụ là đồng chí Trần Quỳnh Hoa; Đảng ủy viên là các đồng chí: Trần Thị Thanh Lịch, Nguyễn Văn Sinh và Nguyễn Đăng Quang.
  • Đảng bộ Trường Đại học Quốc tế hiện có 147 đảng viên, trong đó lực lượng giảng viên là 47 đồng chí, cán bộ viên chức người lao động là 71 đồng chí và Sinh viên là 29 đồng chí; đồng chí đảng viên lớn tuổi nhất là đồng chí Nguyễn Văn Chung với 67 tuổi đời, và các đồng chí nhỏ tuổi nhất là 06 Sinh viên sinh năm 2005 với tuổi đời là 19 tuổi. Hiện nay Đảng bộ có 9 Chi bộ trực thuộc hoạt động đều đặn, thường xuyên, định kỳ theo đúng Điều lệ Đảng, có các chuyên đề thiết thực gần gũi cũng như tình hình thời sự đang diễn ra trong và ngoài nước hiện nay. Đảng bộ Trường ĐH Quốc tế nhiều năm liền đạt danh hiệu là Đảng bộ Trong sạch vững mạnh.

Với bề dày 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Đảng bộ của Trường Đại học Quốc tế cũng đã đạt được 20 năm tuổi, hơn một phần năm của chiều dài lịch sử Đảng của nước nhà và cũng là một con số tròn trịa, một dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành và phát triển.

 

 

Chi bộ 1

Tháng 2, năm 2024

 

Tài liệu tham khảo:

  • Bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng;
  • Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, 2021.
  • Các báo cáo tổng kết công tác Đảng của Trường Đại học Quốc tế.