Dấu Son Vàng 77 Năm Ngày Tổng Tuyển Cử Đầu Tiên
77 năm trước, ngày 6/1/1946, toàn thể nhân dân trên mọi miền Tổ quốc ta, không phân biệt già trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo đã nô nức đi bỏ phiếu bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dấu son vàng cho 77 năm đã qua, với 15 nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Nhưng sau đó, đất nước phải đối diện với muôn vàn khó khăn, ngàn ngàn gian khổ. Với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì quyền lợi tối cao của dân tộc, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, cuộc Tổng tuyển cử đã nhanh chóng được thực hiện. Và rồi, ngày 6/1/1946, Việt Nam đã có thêm một mốc son chói lọi của tiến trình xây dựng thể chế dân chủ, khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi này đã mở ra một thời kỳ mới của đất nước có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một hệ thống chính quyền có đầy đủ cơ sở về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về mặt đối nội và đối ngoại.
Tổng tuyển cử năm 1946 là một sự kiện quan trọng, chỉ 4 tháng sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập (diễn ra sáng 2/9/1945). Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đây là lần đầu tiên người dân Việt Nam được thể hiện quyền làm chủ của mình trong một quốc gia theo chính thể Cộng hòa – Dân chủ”. Trước đó, ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn, Bác viết: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”, “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu, để bầu những người đại biểu xứng đáng, vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”.
Báo Quốc hội, số đặc biệt ngày 6-1-1946 đã trân trọng in ở trang đầu ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả bút tích lời kêu gọi của Người (Ảnh tư liệu)
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử – ngày 6-1-1946: Toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.
Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu quốc hội khóa I, ngày 6-1-1946 (Ảnh tư liệu)
Ngày Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện giặc ngoài thù trong, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn. Chúng ta không chỉ căng sức kháng chiến ở miền Nam, giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hằng ngày đặt ra, mà còn thực hiện sách lược tạm thời hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng. Trong điều kiện như thế, đây nào phải là một cuộc Tổng tuyển cử thông thường, mà là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt.
Vậy mà, cuối cùng, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ở Hà Nội, ứng cử viên Hồ Chí Minh đã đến phòng bỏ phiếu đặt tại nhà số 10, phố Hàng Vôi, Hà Nội để thực hiện nghĩa vụ công dân của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện quyền cử tri tại phòng bỏ phiếu đặt tại nhà số 10 phố Hàng Vôi (Ảnh tư liệu)
Theo những số liệu được công bố, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra trên cả nước đã bầu chọn được 333 đại biểu Quốc hội đại diện cho nhiều địa phương, đảng phái chính trị, tầng lớp xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).
Kỳ họp của quốc hội khóa I sau cuộc tuyển cử đầu tiên trong cả nước ngày 6-1-1946 (Ảnh tư liệu)
Và như thế cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời, đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Kể từ mốc son lịch sử đó, đến nay, trải qua 15 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, nỗ lực hoàn thành trọng trách của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với những đóng góp to lớn, quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Trải qua 77 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tập trung trí tuệ, bản lĩnh, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri, ở giai đoạn cách mạng nào cũng luôn đồng hành cùng dân tộc, hoàn thành sứ mệnh và trọng trách của mình. Những dấu ấn đổi mới đã tiếp tục khẳng định bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm”, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân.
CHI BỘ 3
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016. Bác Hồ với các lần bầu cử Quốc hội <https://hochiminh.vn/tin-tuc/bac-ho-voi-cac-lan-bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-239 > [Ngày truy cập: 05 tháng 01 năm 2032].
- Báo điện tử VTV news, 2021. Bác Hồ với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên <https://vtv.vn/chinh-tri/bac-ho-voi-cuoc-tong-tuyen-cu-dau-tien-2021051905575278.htm > [Ngày truy cập: 05 tháng 01 năm 2023].
- Báo Thanh niên điện tử, 2016. 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên: Lá phiếu cho dân tộc <https://thanhnien.vn/70-nam-ngay-tong-tuyen-cu-dau-tien-la-phieu-cho-dan-toc-post530510.html >[Ngày truy cập: 05 tháng 01 năm 2023].
- Báo Tuổi trẻ điện tử, 2016. Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên <https://tuoitre.vn/tong-tuyen-cu-bau-quoc-hoi-dau-tien-1102621.htm > [Ngày truy cập: 05 tháng 01 năm 2023].