Công tác Tuyên giáoTin tức

Cuộc đợi và Sự nghiệp hoạt động Cách Mạng của Đồng chí Lê Văn Lương

I. TÓM TẮT TIỂU SỬ

Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28/3/1912, tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (xưa thuộc tỉnh Bắc Ninh). Ông được sinh ra trong một gia đình nho học, là con trai thứ 2, là em ruột nhà văn Nguyễn Công Hoan. Mẹ ông là người họ Tô, cùng làng. Nơi ông chào đời là địa phương có truyền thống hiếu học và yêu nước, ông đã kế thừa được các phẩm chất cao quý của gia đình, dòng họ và quê hương ngay từ khi còn nhỏ. Từ những năm học trường Bưởi, cùng với người bạn học Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương đã được đồng chí Ngô Gia Tự giác ngộ cách mạng. Năm 1927, đồng chí gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Tháng 6 năm 1929, ông tham gia sinh hoạt với Chi bộ Cộng sản Bắc Kỳ. Tháng 1 năm 1930, ông gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông luôn nêu gương sáng về lòng tận tụy, trung thành, cần, kiệm, liêm, chính, luôn đặt lợi ích cách mạng lên trước hết và trên hết.

II. SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG

Năm 1931, ông được cử vào Sài Gòn hoạt động để gây dựng cơ sở. Tuy nhiên, tháng 3 năm 1931, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt và giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Năm 1933 ông bị kết án tử hình cùng với 7 đồng chí khác. Do nhân dân Pháp đấu tranh mạnh đòi bỏ án tử hình và trả tự do cho tù chính trị ở Đông Dương, ông được giảm xuống chung thân và đày ra Côn Đảo. Trong tù, ông tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ nhà tù, cùng các đảng viên lãnh đạo đấu tranh chống lại chế độ nhà tù cho tới tháng 9 năm 1945.

Đồng chí Lê Văn Lương thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí được Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách:
Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ năm 1945, Bí thư Văn Phòng Thường vụ Trung ương Đảng năm 1947, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương từ năm 1948 – 1954 và từ năm 1973 – 1976, Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương từ năm 1949 – 1956, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương từ năm 1957 – 1959, Bí thư Thành ủy Hà Nội từ năm 1976 – 1986.

Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa II, III, IV, V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, khóa IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa III và là đại biểu Quốc hội khóa VI và khóa VII. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tinh thần yêu nước, thương dân là yếu tố quan trọng trong hành trang của đồng chí Lê Văn Lương, khi quyết định đi theo con đường cách mạng của thế hệ đi trước (trong thời kỳ 1930 – 1945), đồng chí đã vượt qua nhiều gian lao, thử thách để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhân dân giao phó. Tháng 3-1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Năm 1933, đồng chí bị kết án tử hình cùng với 7 người khác, sau đó được giảm xuống án chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Suốt 15 năm rèn luyện, đấu tranh trong lao tù đế quốc, nhiều lần chiến đấu chống lại kẻ thù tàn bạo.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã nêu cao tấm gương trong sáng: với kẻ thù – hiên ngang, bất khuất; với công việc – tận tụy, trung thành, liêm chính, đặt lợi ích cách mạng lên trên hết và trước hết; với đời sống của dân – chăm lo thiết thực cụ thể; với đồng chí – khiêm nhường, chu đáo, gần gũi thân tình; đối với bản thân – một gương sáng về tự phê bình, một nếp sống trong sáng, giản dị và khoan dung.

Khi được phân công phụ trách công tác tổ chức của Trung ương Đảng, đồng chí đã có nhiều cống hiến quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. Với cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, chăm lo cuộc sống của nhân dân thành phố,…, trong suốt 10 năm từ khi đất nước thống nhất đến năm 1986 thì nghỉ hưu. Tuy nhiên, ông vẫn được Bộ Chính trị phân công tham gia tổng kết công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ.

Ông mất ngày 25 tháng 4 năm 1995, hưởng thọ 83 tuổi.

III. NHỮNG BÀI HỌC NÊU GƯƠNG TỪ ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN LƯƠNG

Đồng chí Lê Văn Lương đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trên các lĩnh vực công tác. Đồng chí là một tấm gương sáng về phong cách làm việc dân chủ, giữ vững nguyên tắc, tôn trọng ý kiến tập thể, quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng.

Đồng chí thường nhắc nhở đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức của Đảng: “Chính trong công tác thực tế hàng ngày, những tư tưởng và ý thức sai lầm mới biểu lộ rõ nét và cụ thể. Các cấp uỷ đảng cần nắm lấy những cơ hội đó để kịp thời phê bình sửa chữa. Bởi vậy, trước khi phát động thực hiện một công tác gì, các cấp chỉ đạo phải chuẩn bị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, giải thích rõ ý nghĩa và nội dung của công tác đó và phương pháp thi hành. Trong thời gian tiến hành công tác, phải theo sát tình hình, kịp thời uốn nắn những tư tưởng, hành động lệch lạc, sửa chữa những tư tưởng, hành động sai lầm. Khi kết thúc công tác, phải làm tổng kết, kiểm thảo từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Hiện nay, đây là phương pháp thực tế và có hiệu quả nhất để giáo dục tư tưởng trong Đảng ta, để xây dựng Đảng ta về mặt tư tưởng. Song cũng cần nhận rõ việc giáo dục đảng viên theo phương pháp trên đây là một công trình lâu dài mà chúng ta phải kiên nhẫn, bền bỉ tiến hành mới đạt được kết quả tốt”. (Lê Văn Lương – Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, tr.66, NXBCTQG – Hà Nội 2000).

Trong chiến đấu với kẻ thù, đồng chí luôn là tấm gương sáng về lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh. Trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, đồng chí nêu tấm gương sáng của một người cộng sản chân chính, bản lĩnh, nghiêm khắc tự phê bình với thái độ nghiêm túc, trách nhiệm trước Đảng về những khuyết điểm trong cải cách ruộng đất, tự đề nghị với Đảng cho mình rút khỏi Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Điều này thể hiện rõ nhân cách của một nhà lãnh đạo tổ chức, một lòng vì Đảng, vì dân, thấy sai thì tự phê bình, nghiêm khắc sửa, dũng cảm tự phê bình, tự giác nhận khuyết điểm, không vin vào hoàn cảnh khách quan. Ở đồng chí Lê Văn Lương có cái “tầm” của một người làm công tác tổ chức – cán bộ của Đảng và có cái “tình” trong cách ứng xử với mọi người, yêu thương cán bộ, gần gũi với quần chúng, luôn vì sự tiến bộ của đồng chí của mình.

Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, với gần 15 năm bị thực dân giam cầm, bị tra tấn dã man, tàn bạo, bị đầy đọa khắc nghiệt, đồng chí Lê Văn Lương luôn giữ vững khí tiết người cộng sản; thể hiện tấm gương mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn trung thành, tận tụy với Đảng, với Tổ Quốc, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân.

Đồng chí là một cán bộ có ý thức tổ chức kỷ luật cao, sống trung thực, giản dị, hòa nhã với mọi người, luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đồng chí, của nhân dân. Những năm 1990, tuy đã gần 80 tuổi nhưng đồng chí vẫn quan tâm công tác xây dựng đảng, nêu những băn khoăn, trăn trở góp ý với Đảng về công tác tổ chức, cán bộ. 

Với những hoạt động và cống hiến đối với Đảng, cách mạng và dân tộc, đồng chí Lê Văn Lương đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Lương đã để lại những tình cảm tốt đẹp đối với đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng nhân dân. Đồng chí là một người cộng sản kiên cường, dũng cảm, trung thực, một người lãnh đạo, người đồng chí mẫu mực, đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912 – 28/3/2022), là dịp để chúng ta tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong bối cảnh các cấp ủy đảng đang tích cực tổ chức học tập, quán triệt, triển khai, quyết tâm đưa Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vào cuộc sống; góp phần động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, hăng hái thi đua học tập, nghiên cứu, lao động sản xuất, thực hành sáng tạo, làm nhiều việc tốt. Thêm vào đó, toàn dân và toàn quân ta cũng đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; thích ứng an toàn, linhhoạt, kiểm soát hiệu quả và từng bước phục hồi, duy trì các hoạt động kinh tế, ổn định xã hội, đời sống Nhân dân.

Chúng ta thành kính, tưởng nhớ và tri ân công lao, đóng góp của đồng chí Lê Văn Lương và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, chúng ta nguyện ra sức thi đua học tập, lao động, công tác và chiến đấu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng ta tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những học trò xuất sắc của Người, trong đó có đồng chí Lê Văn Lương.

————————

Tài liệu tham khảo

1) htts://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/dong-chi-le-van-luong-voi-cach-mang-viet-nam-va-que-huong-hung-yen-120150.html

2) https://tuyengiao.vn/tutuong/dong-chi-le-van-luong-voi-cong-tac-to-chuc-xay-dung-dang-39828

3) Phúc. H, (2012), Lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương, tạp chí Xây Dựng Đảng.

4) Sách tham khảo: Lê Văn Lương – Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, tr.66, NXBCTQG – Hà Nội 2000.