Công tác Tuyên giáoTin tức

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Phong Sắc

Cuộc đời sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1902-1931)

Trong suốt chiều dài lịch sử của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã có rất nhiều người con ưu tú, chí sĩ yêu nước, những tấm gương anh dũng trọn đời hy sinh vì nước, vì dân. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một trong những nhân vật tiêu biểu đó. Cuộc đời 29 năm của đồng chí Nguyễn Phong Sắc tuy ngắn ngủi nhưng trọn vẹn ý nghĩa với sự cống hiến hết mình cho lý tưởng cách mạng cao đẹp, để lại cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta một tấm gương sáng về nhân cách cộng sản mẫu mực, người anh hùng đã hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc sinh ngày 1/2/1902 trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại làng Bạch Mai, nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cha đồng chí Nguyễn Phong Sắc là ông Nguyễn Đình Phúc, một người đã tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục và là một trong những người trực tiếp thực hiện vụ đầu độc nổi tiếng: dùng cà độc dược đầu độc binh lính Pháp trong thành Hà Nội ngày 27 tháng 6 năm 1908. Sau đó ông Nguyễn Đình Phúc bị phát hiện, bị bắt và đi đày Côn Đảo 5 năm.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc theo học tại Trường Bưởi và tốt nghiệp thủ khoa kỳ thi thành chung (tốt nghiệp trung học cơ sở) năm 1924. Tuy nhiên, ông từ chối du học Pháp theo quyết định của chính quyền thuộc địa Pháp và xin vào làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương. Mặc dù học tập trong môi trường giáo dục của chế độ thực dân và trở thành một viên chức cao cấp của nhà nước bảo hộ, nhưng ông chịu ảnh hưởng chí hướng yêu nước của người cha. Với tinh thần yêu nước, ông đã tìm hiểu về Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – tổ chức tiền thân của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Tìm hiểu về Hội và được đọc các sách báo cách mạng như Le Paria, Đường Cách Mệnh… Đồng chí Nguyễn Phong Sắc càng nhận thức rõ lý tưởng tốt đẹp của con đường cách mạng vô sản mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông đã tham gia và hoạt động tích cực trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và trở thành một trong những chiến chiến sỹ cộng sản đầu tiên, góp phần tích cực vào sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó đã góp phần quan trọng đưa công cuộc giải phóng dân tộc ở nước ta vận động theo con đường cách mạng vô sản mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra.

Đến cuối năm 1926, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã trở thành một trong những hội viên đầu tiên của Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tích cực tham gia vào việc phát triển Hội tại Hà Nội. Tháng 6/1927, đồng chí trở thành một trong ba thành viên lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Hà Nội. Tháng 9/1928, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được tín nhiệm là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tại khu vực Bắc kỳ, phụ trách công tác tuyên truyền. Đầu năm 1929, đồng chí là Bí thư Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Hà Nội. Ngôi nhà của gia đình đồng chí ở 152 Bạch Mai trở thành cơ sở cách mạng, là nơi thường xuyên tổ chức các cuộc họp các cấp của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tiền lương của đồng chí Nguyễn Phong Sắc và tài sản của gia đình được bán dần để chi phí cho in ấn tài liệu, nuôi cán bộ. Trong quá trình tham gia Hội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc tích cực truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc vào phong trào yêu nước và công nhân Việt Nam. Những hoạt động của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã góp phần to lớn vào thúc đẩy quá trình chuyển hóa mạnh mẽ phong trào yêu nước ở Việt Nam theo con đường cách mạng mới của Nguyễn Ái Quốc và đẩy nhanh tiến trình chuyển biến của giai cấp công nhân nước ta từ “tự phát” sang “tự giác” với sự hình thành của những tổ chức cộng sản ở nước ta.

Với tài năng tổ chức và phong cách làm việc sâu sát, ngày 21 tháng 7 năm 1929, Hội nghị Ban Chấp hành lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng họp tại Bắc Ninh đã phân công Nguyễn Phong Sắc vào phụ trách khu vực Trung kỳ do đồng chí làm Bí thư và chỉ đạo, trực tiếp xây dựng các cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng ở nhiều tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập vào ngày 3/2/1930, ngày 7 tháng 3 năm 1929, Nguyễn Phong Sắc cùng các đồng chí của mình là Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh và 5 người khác trở thành một trong những người đầu tiên thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của cả nước ở Hà Nội tại số nhà 5D phố Hàm Long. Trong đó Nguyễn Phong Sắc là một trong những thành viên sáng lập và trở thành một trong những người cộng sản đầu tiên của Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, trực tiếp chỉ đạo hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Đồng chí đã chủ trì thành lập Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ, do đồng chí làm Bí thư Ban Chấp hành lâm thời; từ đó, đồng chí tích cực tham gia xây dựng và phát triển tổ chức đảng. Sau một thời gian ngắn, Nguyễn Phong Sắc đã tổ chức được lực lượng và cho ra đời chi bộ cộng sản đầu tiên ở thành phố Vinh, Nghệ An. Ngày 1 tháng 5 năm 1930, công nhân Nhà máy Diêm Bến Thủy đã nổi dậy; đến tháng 6 năm 1930, đình công lần thứ hai. Tháng 9 năm 1930, phong trào cách mạng lan rộng sang Hà Tĩnh, hàng loạt cuộc biểu tình liên tục nổ ra và lan rộng thành một cao trào.

“Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc gắn liền với chữ “đầu tiên”: là một trong 11 người đầu tiên được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; Bí thư đầu tiên của Hội Việt nam cách mạng Thanh niên Hà Nội; là 1 trong số những người sáng lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước; là ủy viên đầu tiên của Đông Dương Cộng Sản Đảng; Bí thư đầu tiên của Xứ ủy Trung Kỳ và là 1 trong những ủy viên thường vụ đầu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam, nay tương đương ủy viên Bộ Chính trị” – PGS.TS Hoàng Trang nhấn mạnh.

Để đối phó lại với các hoạt động của Đảng, thực dân Pháp liền ra sức truy lùng những người cầm đầu của các cuộc nổi dậy và đấu tranh này. Tháng 4 năm 1931, đồng chí Trần Phú bị bắt. Giữa năm 1931, thì toàn bộ Xứ ủy Trung kỳ bị bắt. Ngày 3 tháng 5 năm 1931, Nguyễn Phong Sắc đã bị bắt tại Hà Nội vì bị chỉ điểm. Bị tra tấn dã man, nhưng Nguyễn Phong Sắc vẫn giữ vững tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, không để lộ thông tin về tổ chức đảng và cơ sở cách mạng. Lo sợ trước cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, địch đã xử bắn đồng chí ngày 26/5/1931 tại đồn Song Lộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Lúc ấy, đồng chí Nguyễn Phong Sắc mới 29 tuổi.

Lựa chọn con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã thể hiện tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực. Đồng chí là tấm gương tiêu biểu của người trí thức hết lòng vì nước, vì dân, là tấm gương về phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cộng sản luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, yêu thương đồng chí, đồng bào. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã oanh liệt hy sinh ở tuổi đời 29 nhưng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí vẫn còn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo

vi.wikipedia.org
www3.thuathienhue.gov.vn
btxvnt.org.vn
kienthuc.net.vn

Nguyễn Phong Sắc(1902 – 1931) – Nhân Vật Lịch Sử. (thuvienlichsu.com)