Công tác Tuyên giáoTin tức

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công

Thực hiện Hướng dẫn số 23-HD/BTGĐU của Ban Tuyên giáo
Đảng ủy ĐHQG HCM ngày 10/01/2022:

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công

Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước),
nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương
Đảng Cộng sản Việt Nam

Họ và tên: Võ Chí Công; Bí danh: Năm Công

Ngày sinh: 07/8/1912; Ngày mất: 08/9/2011

Quê quán: Xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam

Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) năm 1933; đã trải qua các chức vụ trong Đảng như sau: Ủy viên Trung ương Đảng khóa III, IV, V, VI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV, V; Bí thư Trung ương Đảng khóa V; Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII.

Với 100 tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, đồng chí Võ Chí Công đã phấn đấu trọn đời mình và có những cống hiến hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Tóm tắt quá trình công tác của đồng chí Võ Chí Công:

Đồng chí Võ Chí Công tên thật là Võ Toàn. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, Võ Toàn đã được giáo dục về tinh thần dân tộc và chịu ảnh hưởng của nhiều chí sĩ tiền bối của quê hương xứ Quảng như các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… Ngay từ năm 14 tuổi, Võ Toàn đã cùng cha tham gia các phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Châu Trinh, đòi dân sinh, dân chủ.

Từ năm 1930 đến năm 1931, đồng chí hoạt động thanh niên cộng sản. Từ năm 1936, đồng chí là Bí thư chi bộ ghép (một số xã thuộc huyện Tam Kỳ). Từ năm 1939, đồng chí Võ Chí Công là Bí thư Huyện uỷ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng. Đồng chí được bổ sung vào Phủ ủy Tam Kỳ và được cử làm Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ. Do Bí thư và một số Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Nam bị bắt, Tỉnh ủy gần như không hoạt động, đồng chí đã tiến hành chắp nối, xây dựng lại các tổ chức Đảng trong tỉnh và thành lập Ban liên lạc tỉnh để tiến tới thành lập Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam. Tháng 3 năm 1940, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam được thành lập, Đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời (ở tuổi 28).

Võ Toàn tham gia phong trào cộng sản đúng vào lúc Tỉnh ủy Cộng sản Quảng Nam bị chính quyền Pháp khủng bố ác liệt, đánh tan. Ông tự mình len lỏi bắt liên lạc, khôi phục cơ sở, lần hồi lập lại tỉnh ủy, phát triển lại phong trào. Quá trình này về sau giúp hình thành tính cách và các đặc điểm của ông xuyên suốt trong cả cuộc đời cách mạng của mình, bao gồm: sự quyết đoán, kiên định, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong những tình huống khó khăn và quyết định.

Năm1941, đồng chí được phân công phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam – Đà Nẵng đến Phú Yên. Từ năm 1942, đồng chí được phân công vào gây dựng cơ sở tại các tỉnh cực Nam Trung Bộ. Năm 1943, đồng chí Võ Chí Công bị bắt, kết án tù chung thân, sau đó giảm xuống 25 năm tù giam ở nhà lao Hội An, sau bị đầy đi nhà tù Buôn Mê Thuột.

Tháng 3/1945, sau khi Nhật đảo chính, ra tù về Quảng Nam, đồng chí được cử làm Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh, chỉ huy cướp chính quyền ở Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đồng chí Võ Chí Công được cử làm Trưởng ty Tư pháp tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Chính trị viên Trung đoàn 93. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, khác với chủ trương chung tấn công trước tiên vào nông thôn, cuối cùng mới nhằm vào thành thị, nhanh nhạy nhận định tình hình, kịp thời nắm thời cơ, ông đã quyết định đánh ngay vào tỉnh lỵ Hội An, sau đó mới nhanh chóng lan về nông thôn, biến Quảng Nam trở thành tỉnh khởi nghĩa thành công sớm nhất trong toàn quốc.

Từ năm 1946, đồng chí là Phó trưởng ban Tổ chức cán bộ và làm Thanh tra Quân khu V. Từ năm 1951, đồng chí Võ Chí Công là Bí thư Ban cán sự Đông – Bắc Miên, Khu ủy viên khu V; và từ năm 1952, đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng.

Năm 1954, Đoàn ủy viên cải cách ruộng đất ở khu Việt Bắc. Đồng chí Võ Chí Công dẫn đoàn đại biểu Liên khu V đi dự Hội nghị toàn quốc bàn về cải cách ruộng đất. Sau hội nghị, đồng chí được Trung ương phân công tham gia thí điểm cải cách ruộng đất ở Việt Bắc. Với tư cách là người trong cuộc, đồng chí phê phán cách làm rập khuôn, giáo điều, dẫn đến những sai lầm, tổn thất cho cách mạng và rút ra nhiều kinh nghiệm quý giá, tránh được nhiều tổn thất trong việc giải quyết vấn đề ruộng đất và chính sách đối với nông dân ở vùng giải phóng.

Là người trưởng thành từ cơ sở, luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhạy bén nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất, đồng chí Võ Chí Công đã sớm nhận ra những sai lầm nghiêm trọng và đã mạnh dạn đề xuất những suy nghĩ của mình với Trung ương. Chính từ những ý kiến đề xuất trung thực và thẳng thắn này của không ít cán bộ lãnh đạo của Đảng, trong đó có đồng chí Võ Chí Công mà cải cách ruộng đất đã không bị thực hiện một cách triệt để đến cùng; và điều này đã góp phần hạn chế những sai lầm nghiêm trọng và những hậu quả khôn lường do cải cách ruộng đất gây ra.

Năm 1955, đồng chí là Phó Bí thư Khu ủy V. Năm 1959, giữa đêm đen chìm đắm trong khủng bố ác liệt của địch, khi quần chúng ở Trà Bồng uất ức nổi dậy, trong lúc nhiều người còn e sợ một cuộc vùng lên cô lập sẽ dễ bị tiêu diệt, ông là người cương quyết ủng hộ, ráo riết chỉ đạo chuyển miền núi Quảng Ngãi, Quảng Nam thành chiến khu chống địch, thành cuộc khởi nghĩa sớm nhất ở Nam Trung bộ, từ đó đưa cuộc kháng chiến ở đây phát triển đến thắng lợi cuối cùng. Bằng chủ trương và hành động quyết liệt đó, đồng chí Võ Chí Công là một trong những người tham gia thiết kế Nghị quyết 15 nổi tiếng (thay đổi chiến lược cách mạng miền Nam phù hợp với tình hình mới, đưa cách mạng miền Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới, làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ Ngụy).

Từ tháng 9/1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Khu uỷ V. Năm 1961, đồng chí là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Năm 1962, đồng chí là Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Và từ năm 1964, đồng chí Võ Chí Công là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, phụ trách Bí thư Khu ủy V, Chính ủy Quân khu V.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược vô cùng gian khổ và ác liệt, đồng chí Võ Chí Công được rèn luyện trực tiếp trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng của vùng đất Quảng Nam kiên cường và chiến trường Khu V ác liệt. Là người giữ chức vụ cao nhất ở Khu V, đồng chí được coi là linh hồn của phong trào cách mạng Khu V, luôn có mặt ở những địa bàn trọng yếu, ác liệt nhất của chiến trường Khu V. Đồng chí cùng tập thể Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu V trực tiếp chỉ đạo việc đoàn kết, tập hợp, động viên mọi lực lượng trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, lãnh đạo quân và dân miền Nam vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đồng chí Võ Chí Công là một trong những nhà lãnh đạo thực tiễn xuất sắc trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. Bản lĩnh của người lãnh đạo cao cấp thể hiện nổi bật ở sự quyết đoán, năng động và dám chịu trách nhiệm trong những thời khắc có tính chuyển biến quyết định của cách mạng và chiến tranh, tận dụng triệt để thời cơ một đi không trở lại. Là người xem trọng thực tiễn, sâu sát với phong trào cách mạng, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm, đường lối chiến tranh nhân dân, đồng chí đã lãnh đạo quân và dân Khu V vượt qua những giai đoạn khó khăn và ác liệt nhất. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, đồng chí đã lãnh đạo quân và dân Khu V sát cánh cùng các cánh quân chủ lực giải phóng Tây Nguyên, Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung, làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo đà thắng lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1975, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, đồng chí là Phó trưởng ban đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam, phụ trách khu V. Sau ngày đất nước thống nhất, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước), Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Chí Công luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng; ông sớm thể hiện sự tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; trân trọng, ủng hộ những sáng kiến của cán bộ, nhân dân và các địa phương; cùng tập thể Trung ương lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, phá thế bị bao vây, cấm vận; giữ vững ổn định chính trị – xã hội; tăng cường quốc phòng – an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dù ở đâu, làm gì, trên cương vị nào ông cũng không quên gốc gác của mình là nông dân, đồng bào mình cũng là nông dân. Trong lúc hoạt động ở mật khu trên các vùng rừng núi thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam hoặc công tác trên mọi miền đất nước, bao giờ trong hành trang của ông cũng đều có những cuốn sách hay nghiên cứu về nông nghiệp. Khi các đồng chí hỏi tại sao một người chỉ huy quân sự lại thường đọc sách nông nghiệp, ông nhẹ nhàng bảo: “Đất nước mình là đất nước dựa vào nông nghiệp là chính. Và nền nông nghiệp ấy vẫn còn nghèo và lạc hậu lắm. Và để đất nước đi lên, không có con đường nào khác ngoài trước hết làm cho nông nghiệp có sự phát triển vượt bậc. Trách nhiệm ấy không chỉ nằm ở những người nông dân, những kỹ sư nông nghiệp mà là của tất cả đồng bào Việt Nam mình”.

Đồng chí Võ Chí Công là một trong những nhà lãnh đạo thực tiễn xuất sắc trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Bản lĩnh của người lãnh đạo cao cấp này thể hiện nổi bật ở sự quyết đoán, năng động và dám chịu trách nhiệm trong những thời khắc có tính chuyển biến quyết định của cách mạng và chiến tranh, tận dụng triệt để thời cơ có một không hai (Ví dụ, quyết định của ông về chủ trương ủng hộ mạnh mẽ cuộc khởi nghĩa Trà Bồng năm 1959, trong khi nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt khác còn phân vân, chần chừ; sáng suốt chuyển cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền núi thành chiến tranh du kích, lập làng chiến đấu, phát triển căn cứ địa cách mạng; hoặc quyết định táo bạo và sáng suốt của ông kịp thời đề nghị với Bộ Chính trị cho đánh ngay Đà Nẵng sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, khi thấy địch có dấu hiệu bỏ Tây Nguyên, và ráo riết chỉ đạo tập trung lực lượng tấn công Đà Nẵng với một quyết tâm và khí thế khẩn cấp, góp phần to lớn vào thắng lợi của dân tộc mùa xuân 1975).

Khi đất nước hòa bình, đồng chí luôn trăn trở, tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng chí trân trọng, ủng hộ những sáng kiến của cán bộ, nhân dân và các địa phương; cùng tập thể Trung ương lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, phá thế bị bao vây, cấm vận; giữ vững ổn định chính trị – xã hội; tăng cường quốc phòng – an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một trong những thành tựu to lớn là vai trò của đồng chí Võ Chí Công và sự ra đời của Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, thường được gọi tắt là “khoán 100” (ban hành năm 1981). Lúc bấy giờ kinh tế nước nhà hết sức khó khăn, từ đòi hỏi của thực tiễn, một số nơi xé rào áp dụng “khoán chui”, tức là giao khoán cho mỗi hộ một số diện tích ruộng, hợp tác xã có thể điều hành một số khâu, xã viên nộp mức khoán sản phẩm theo diện tích được chia cho hợp tác xã, phần dư thừa nông dân được hưởng. Sở dĩ việc này được gọi là “khoán chui” vì trái với hình thức hợp tác hóa nông nghiệp thời đó.

Cuộc đấu tranh quan điểm về “khoán chui” trở nên hết sức gay go. Không phải ai cũng dám đứng ra bảo vệ “khoán chui”, nhưng đồng chí Võ Chí Công là một trong những người đã cất tiếng nói và có hành động để góp phần quan trọng vào sự ra đời của Chỉ thị 100 với nội dung cơ bản là khẳng định và cho mở rộng khoán, cũng như bảo vệ tinh thần của Chỉ thị này trong những ngày sóng gió ban đầu, đưa đến sự giải phóng có tính quyết định lực lượng sản xuất, làm thay đổi cơ bản cục diện đang bế tắc của xã hội, một lần nữa ông lại đứng về phía thực tiễn, về phía dân, góp phần tạo nên bước vượt thoát ngoạn mục của đất nước, đưa đến thời kỳ bùng lên mạnh mẽ được gọi là “Đổi mới”. Đã có nhiều bài viết phân tích về ý nghĩa lịch sử của Chỉ thị 100; đây được cho là bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển đổi, đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp, đồng thời cũng là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở Việt Nam.

Ở cương vị rất cao, người ta thường thấy ông là người ít nói, nhưng khi đứng trước những câu hỏi lớn của đời sống thì vẫn là Võ Chí Công ấy, rất quyết đoán, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trong cả chiến tranh và hòa bình. Ở người lãnh đạo giản dị mà sâu sắc đó có một chân lý mà ông đinh ninh, như có lần ông nói với một cán bộ thân cận của mình khi Nghị quyết 10 nổi tiếng về khoán trong nông nghiệp được khẳng định, đại ý là: “Nghiệm ra khi có chủ trương của Đảng ở trên mà bên dưới quần chúng cứ xôn xao không chịu, thì rồi cuối cùng Đảng phải nghe theo và cách mạng thắng lợi!” Con người ấy luôn tin rằng sáng tạo trong cách mạng và trong đời sống bao giờ cũng là dân, bởi vì chỉ có dân mới là thực tiễn, là đời sống thực đang vận động, và Đảng giỏi là khi Đảng biết nghe dân. Đảng sáng tạo là vì Đảng nghe được dân, tổng kết được ý chí và trải nghiệm của dân để chỉ đạo lại đời sống. Bài học lớn ông để lại cho các thế hệ chúng ta là bài học về dân. Suốt đời con người cực kỳ quả cảm ấy chỉ có một nỗi sợ mất dân. Gần dân, luôn gắn với dân, nghe dân, học dân, tin dân, luôn dựa vào Nhân dân thì khó khăn mấy rồi cũng vượt qua được và làm cho đất nước, dân tộc đứng vững, phát triển trước mọi thách thức.

Ông Phạm Thông, nguyên cán bộ trong Ban tuyên giáo tỉnh Quảng Nam, người có một khoảng thời gian hoạt động cùng địa bàn với đồng chí Võ Chí Công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thật sự xúc động khi chia sẻ về người nay đã đi về miền vô ưu. Ông nói: “Trong mắt tôi, bác Công lúc nào cũng luôn là một vị chỉ huy tài tình, quyết đoán; một người cán bộ đi cùng Nhân dân, lắng nghe Nhân dân, hiểu từng nguyện vọng nhỏ nhất của Nhân dân và làm tất cả những gì mình có thể để Nhân dân được ấm no”.

Quan điểm thực tiễn, quan điểm quần chúng là phương pháp lãnh đạo nhất quán của nhà cách mạng Võ Chí Công. Đối với đồng chí Võ Chí Công, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ thực tiễn cách mạng, phải đáp ứng đúng và kịp thời tâm tư nguyện vọng thực tế của Nhân dân. Gần dân, lắng nghe dân, làm theo dân, vì dân mới được dân tin, dân theo sẽ thành công; trái lại, xa dân, quay lưng lại với dân, trái ý dân sẽ dẫn đến thất bại. Quan điểm lãnh đạo vì dân này của đồng chí có được là do đúc kết từ những năm tháng hoạt động đầy hy sinh máu lửa mà hào hùng và vẻ vang trên chiến trường khốc liệt của Khu V.

Chi Bộ 5 thực hiện 14/08/2022