Cuộc chiến tranh vệ quốc và giúp đỡ nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Pol Pot-Ieng Sary 1979
Kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 -7/1/2024). Chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, nhà nước ta về mối quan hệ:”láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”
- Cuôc chiến tranh vệ quốc
Ngày 07/01/1979 đã đi vào lịch sử đấu tranh bảo vệ tổ quốc của dân tộc. Chúng ta cùng nhau nhìn lại giai đoạn lịch sử đầy oanh liệt và hào hùng này:
Từ năm 1975 đến 1978, quân Pol Pot đã mở nhiều cuộc tấn công xâm lấn vào sâu lãnh thổ nước ta, gây ra hàng loạt vụ thảm sát đẫm máu đối với nhân dân dọc biên giới Việt Nam-Campuchia. Hành động của tập đoàn phản động, hiếu chiến Pol Pot-Ieng Sary đã xâm phạm thô bạo độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, gây tổn hại mối quan hệ giữa hai nước. Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng, các quân khu, địa phương, đơn vị tăng cường chuẩn bị lực lượng, thế trận, kiên quyết đập tan các cuộc tấn công xâm lược của địch; đồng thời kiên trì chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, tìm mọi cách cứu vãn hòa bình, nhiều lần đề nghị đàm phán với chính phủ Campuchia dân chủ. Song, tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary đã khước từ mọi thiện chí của ta, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá, xâm lược Việt Nam.
Ngày 23/12/1978, chúng huy động 10 sư đoàn mở cuộc tấn công quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, bằng các đòn phản công, tấn công thần tốc, quân và dân ta đã tiêu diệt và đánh bật quân Pol Pot ra khỏi lãnh thổ của Tổ quốc.
- Giúp đỡ đất nước và Nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng
Ngay sau khi lên cầm quyền tháng 4/1975, tập đoàn Pol Pot đã lợi dụng thành quả cách mạng, phản bội nhân dân Campuchia và lập nên cái gọi là “Nhà nước Campuchia dân chủ”, thi hành chế độ diệt chủng đưa đất nước Campuchia rơi vào thảm họa khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử, hàng nghìn trường học, bệnh viện bị đóng cửa, hàng triệu người dân vô tội bị giết hại dã man. Chỉ trong 3 năm 8 tháng và 20 ngày, đã có hơn 3 triệu người dân Campuchia và hàng chục ngàn người dân Việt Nam bị giết hại dã man. Cùng với đó, tập đoàn Pol Pot huy động phần lớn sức mạnh quân sự chủ lực tiến hành xâm lược biên giới Tây Nam, xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, xuyên tạc lịch sử, khiêu khích, kích động hận thù dân tộc, chà đạp lên những giá trị tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam – Campuchia.
Đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia và để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân Việt Nam, Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, đập tan các hành động xâm lược, cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng tàn bạo vào ngày 7/1/1979. Đó là hành động phù hợp pháp lý và đạo lý, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, chí nghĩa, chí tình, sẵn sàng hy sinh xương máu vì mối quan hệ gắn bó thủy chung, lâu đời giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước; là sự tiếp nối truyền thống đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù chung của hai dân tộc.
Ngày 7-1-2024 vừa qua tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 – 7-1-2024).
Lễ kỷ niệm là dịp để Đảng, Chính phủ, nhân dân hai nước ôn lại lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, phối hợp chiến đấu chống kẻ thù chung của quân dân hai nước Việt Nam – Campuchia. Đây là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm tri ân các thế hệ đi trước đã hy sinh, cống hiến máu xương, sức lực vì hòa bình, phát triển của hai dân tộc; tuyên truyền, nhắc nhở các tầng lớp nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ trân trọng giữ gìn, củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam – Campuchia.
Phát biểu tại buổi lễ, dẫn câu ca dao “Sông Cửu Long nghìn năm vẫn chảy. Nghĩa bạn bè mãi mãi không phai”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tin tưởng mối quan hệ Việt Nam – Campuchia sẽ tiếp tục phát triển lên những tầm cao mới.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Vương quốc Campuchia tháng 7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Lịch sử không bao giờ bị lãng quên và không ai bị quên lãng. Vinh quang đời đời thuộc về những người con ưu tú đã ngã xuống vì Tổ quốc của hai dân tộc”. “Với tinh thần đó, hôm nay chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử đoàn kết gắn bó mật thiết, kề vai sát cánh bên nhau qua những lúc khó khăn, hoạn nạn cũng như trong hòa bình và phát triển giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia”.
Chiến thắng lịch sử này là chiến thắng chung của nhân dân hai nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia và Việt Nam, khép lại một trang sử đen tối nhất của đất nước Campuchia; cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng; mở ra kỷ nguyên mới, phát triển trong độc lập, tự do, hòa bình, trung lập và phồn vinh. Chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot cũng đã góp phần quan trọng giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Nhìn lại chặng đường 45 năm kể từ ngày chiến thắng 7/1/1979, chúng ta vui mừng nhận thấy đất nước Campuchia sau khi được sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đã hồi sinh mạnh mẽ, lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, tự gánh vác sứ mệnh bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước.
Kế thừa truyền thống đoàn kết và tinh thần anh dũng quật cường của ngày 7/1/1979, sự gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau, Việt Nam và Campuchia tiếp tục đưa quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” phát triển lên một tầm cao mới.
Đảng và Nhà nước và nhân dân Việt Nam chân thành cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của nhân dân Campuchia đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay và khẳng định: Trước sau như một, Việt Nam luôn coi trọng, dành ưu tiên cao cho việc không ngừng củng cố và tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Campuchia, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tại buổi lễ kỉ niệm này Phó Thủ tướng Neth Savoeun cũng bày tỏ: “Nếu không có sự cứu giúp, hỗ trợ kịp thời của quân tình nguyện Việt Nam, dân tộc Campuchia thực sự đứng trước nguy cơ diệt chủng. Tôi xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ linh hồn của hàng triệu đồng bào, các chiến hữu quân đội Việt Nam đã hy sinh trong sứ mệnh quốc tế giải phóng Campuchia thoát khỏi chế độ đen tối này”. Khẳng định Campuchia và Việt Nam là hai nước láng giềng, có quan hệ tốt đẹp và phát triển trên mọi lĩnh vực, theo phương châm láng giềng tốt, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, vững chắc bền lâu, Phó Thủ tướng Neth Savoeun cho biết, mối quan hệ quý giá này ngày càng được thắt chặt thông qua các hoạt động thường xuyên tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp. Nhân dân hai nước đang được thụ hưởng những lợi ích to lớn từ thành quả hợp tác song phương bao trùm hầu hết các lĩnh vực: kinh tế thương mại đầu tư, nông nghiệp, vận tải viễn thông, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch quốc phòng – an ninh..“Campuchia dành ưu tiên cao cho việc giữ gìn truyền thống đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước, và rất hài lòng đối với sự phát triển của quan hệ giữa các bộ, ngành, các tỉnh giáp biên, các tổ chức mặt trận và tổ chức chức quần chúng, nhân dân và thanh niên. Chúng ta thực sự có thể khẳng định rằng Việt Nam – Campuchia là điển hình nước láng giềng tốt trên thế giới, thể hiện lòng tốt, tình anh em hữu nghị và thủy chung”.
- Bài học kinh nghiệm
Qua cuộc chiến tranh vệ quốc và giúp đỡ nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Pol Pot-Ieng Sary chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược của kẻ thù.
Sau khi xác định đúng nguồn gốc, nguyên nhân, mục tiêu gây chiến tranh của kẻ thù, Đảng ta đã đề ra đường lối, mục tiêu chính trị đúng đắn, sáng tạo, lãnh đạo quân và dân ta mở cuộc phản công, tấn công địch một cách chủ động, kiên quyết, liên tục, giành thắng lợi to lớn. Điều đó cho thấy, để đất nước không bị động, bất ngờ, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng “phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước.
Hai là, chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.
Mục tiêu xuyên suốt của Đảng ta về xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh nhằm giữ vững hòa bình, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh. Đó là nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, ngày càng hiện đại, mang tính chất hòa bình, tự vệ, “lấy dân làm gốc”.
Từ cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam đã khẳng định, để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, phải thường xuyên chăm lo xây dựng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng, chuẩn bị nguồn lực quốc gia.
Ba là, chăm lo xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu ngày càng cao.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp, lực lượng vũ trang, nòng cốt là quân đội nhân dân đã đánh bại các cuộc tấn công xâm lược quy mô lớn của kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước.
Bốn là, tăng cường hợp tác, đối ngoại quốc phòng với các nước, nhất là các nước láng giềng.
Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt, dự báo được các xu hướng trong quan hệ quốc tế, khu vực cũng như mục tiêu, lợi ích, ý đồ chiến lược của từng nước, nhất là các nước lớn; không ngừng tăng cường, giữ vững quan hệ giữa ba nước Đông Dương.
Quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng. Trong quan hệ đối ngoại, phải giữ vững nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; tích cực chuyển hóa đối tượng thành đối tác, gắn chặt lợi ích đối tác với lợi ích quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Tiếp tục thúc đẩy hợp tác, đưa quan hệ quốc phòng Việt Nam-Campuchia, trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ toàn diện giữa hai quốc gia, đóng góp tích cực vào hiện thực hóa phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia vì hòa bình, độc lập dân tộc và sự ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Chi bộ 1 _ Tổ Đảng Phòng HCTH (Biên soạn và tổng hợp)
Tham khảo nguồn:
- https://nhandan.vn/chien-thang-chien-tranh-bao-ve-to-quoc-o-bien-gioi-tay-nam-bai-hoc-cho-cong-cuoc-bao-ve-chu-quyen-dat-nuoc-post790960.html
- https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/884702/view_content