Công tác Tuyên giáoTin tức

Các chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay đối với việc chăm lo Cựu chiến binh Việt Nam

Các chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay đối với việc chăm lo
Cựu chiến binh Việt Nam

Đất nước Việt Nam có được vị thế và uy tín với bạn bè năm châu; nhân dân Việt Nam có được cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay; đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cùng với sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc Việt nam ta trong suốt thời gian hơn 90 năm qua. Trải qua thời gian dài đấu tranh liên tục đầy gian khổ và ác liệt; dưới sự lãnh đạo của Đảng; cán bộ và chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân cùng toàn thể nhân dân ta đã kiên cường, anh dũng chiến đấu không ngừng, đưa cách mạng nước ta liên tục đạt được những thắng lợi vĩ đại, như: Cách mạng Tháng Tám vĩ đại thành công, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở châu Á ra đời; tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống xâm lược trường kỳ gian khổ kết thúc với những chiến công oanh liệt “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”; chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử …quét sạch bè lũ xâm lược (Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ, quân bành trướng Trung Quốc) và tay sai ra khỏi đất nước ta; hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc biên cương của tổ quốc; thủy chung với bạn bè, làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.

Các “chiến binh” với sứ mệnh vinh quang mà Đảng của Bác Hồ đã giao phó trong quá trình “chiến đấu chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; đã có rất nhiều chiến sĩ của thế hệ Cha, Anh đã hy sinh anh dũng, nhiều đồng chí mang thương tích, bệnh tật; và hàng triệu đồng chí sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong hàng ngũ các lực lượng vũ trang nhân dân đã lần lượt phục viên, xuất ngũ, nghỉ hưu về với cuộc sống gia đình; một bộ phận chuyển ngành sang công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, các lĩnh vực kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, xã hội… Dù trở về với cuộc sống đời thường, trên lĩnh vực công tác mới; các Cựu Chiến Binh (CCB) vẫn tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đem ý chí và nhiệt tình cách mạng cùng những kinh nghiệm, kiến thức đã được tích luỹ từ những năm tháng sống trong quân ngũ để góp phần xây dựng quê hương đất nước. [1]

Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp và đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc; đã luôn thể hiện sự tri ân, tôn vinh đặc biệt, và sự quan tâm sâu sắc tới các cựu chiến binh trong suốt thời gian qua. Chính sách ưu đãi, chăm lo CCB và người có công với cách mạng nói chung luôn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta, bao gồm cả những hoạt động tri ân cả về vật chất lẫn tinh thần.

Ngay từ những ngày đầu dựng nước, Bác Hồ của chúng ta đã thể hiện lòng biết ơn đối với những cựu chiến binh, những người con ưu tú đóng góp cho dân tộc. Người và chính phủ lâm thời đã đã quyết định lấy ngày 27-7 là Ngày Thương binh toàn quốc; và Người cũng đã nhấn mạnh rằng: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Nhằm bảo đảm tốt cuộc sống của thương, bệnh binh, thân nhân các gia đình có công với cách mạng, với tư cách người đứng đầu Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng, như Sắc lệnh số 20-SL, ngày 16-2-1947, quy định chế độ hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ; Sắc lệnh số 58-SL, ngày 6-6-1947, đặt Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập và quy định việc tặng thưởng để thưởng hoặc truy tặng cho đoàn thể hay những người có công với nước, với dân hoặc tặng cho các nhân vật ngoại quốc đã có công với nước Việt Nam.[2]

Và trước lúc đi xa, trong bản “Di chúc”, Người căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, kháng chiến. “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. [3]

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất bằng chiến thắng lịch sử năm 1975; thực hiện di chúc của Bác, và thể hiện giá trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; ngày 24-02-1990, Chính phủ đã chính thức cấp giấy phép số 528/NC thành  lập  Hội  Cựu chiến binh Việt Nam (do Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ký), và ngày 14-4-1990 Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Quyết định số 51/QĐ-MTTQ công nhận Hội CCB Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ ký). Sự ra đời của Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần; phù hợp với nguyện vọng thiết tha được đóng của các CCB Việt Nam cho sự phát triển của đất nước của dân tộc. [1]

Và nhằm thể chế hóa tư tưởng của Đảng, của Bác Hồ, ngày 07/10/2005 Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã bàn hành Pháp lệnh Cựu Chiến Binh số 27/2005/PL-UBTVQH11 (gọi tắt là Pháp lệnh 27). Theo đó, Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam (HCCBVN) chính thức được công nhận là “tổ chức chính trị-xã hội trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo,…” và lấy ngày 06/12 là ngày truyền thống; và được quy định về tổ chức và có nhiệm vụ rõ ràng. Đồng thời, pháp lệnh cũng đã định nghĩa rõ ràng thế nào là CCB (điều 2, pháp lệnh 27), quy định cụ thể về các quyền lợi và nghĩa vụ của CCB (điều 7 và điều 8, pháp lệnh 27) [4]….HCCBVN được tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện; tính đến thời điểm 2023, đã có khoảng hơn 3 triệu hội viên đăng ký tham gia trên khắp cả nước. Thành hội tại TPHCM (Hội Cựu chiến binh Việt nam Thành phố Hồ Chí Minh) hiện nay có khoảng 217 Ban liên lạc truyền thống với trên 68 nghìn thành viên; trong đó tỷ lệ hội viên là đảng viên chiếm 47,76%, và tỷ lệ hội viên nữ chiếm 13,9% [5].

Hơn nữa, pháp lệnh 27 cũng đã nên rõ chính sách của Nhà nước đối với CCB là “chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CCB; tập hợp, động viên và phát huy tiềm năng của CCB, tạo điều kiện để CCB tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật để cụ thể để triển khai các chính sách chăm lo cho CCB như sau:

  • Chế độ bảo hiểm y tế

CCB được ưu tiên cấp Bảo hiểm Y tế (BHYT), và hưởng các chế độ ưu đãi cụ thể tùy theo đối tượng mà pháp luật quy định. Ví dụ, theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018; một số đối tượng CCB (thuộc đối tượng quy định trong khoản 4, điều 3) sẽ được quyền hưởng chế độ Bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh; và nếu thuộc một số đội tượng đặc biệt (như: bà mẹ Việt Nam, thương binh….) thì không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất… (khoản 1, điều 14) [6].

  • Chế độ trợ cấp (khi thôi công tác Hội cựu chiến binh)

Theo quy định của pháp luật hiện nay, HCCBVN được tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp Cơ sở (xã, phường, thị trấn); hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, theo điều lệ hội và tuân theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Theo Điều lệ của HCCBVN thì cơ quan lãnh đạo mỗi cấp của Hội sẽ tương ứng là một “Ban chấp hành”. Nhằm trợ cấp thêm về kinh tế cho các đồng chí tham gia công tác của HCCBVN, Nhà nước đã ban hành chính sách cho các CCB đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hàng tháng, khi thôi làm công tác Hội được hưởng trợ cấp thôi công tác Hội cho một số đối tượng cụ thể sau: (i) CCB được bầu cử, bổ nhiệm, tuyển dụng tham gia công tác tại cơ quan Hội Cựu chiến binh từ Trung ương đến cấp huyện; (ii) CCB là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã; (iii) CCB là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã.

 

  • Chế độ mai táng

Chế độ mai táng phí đối với CCC quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 157/2016/NĐ-CP được quy định như sau [7]:

  • Cựu chiến binh khi từ trần, nếu không thuộc đối tượng hưởng chế độ mai táng phí theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Luật Bảo hiểm xã hội thì người tổ chức mai táng được hưởng mai táng phí bằng mức trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.
  • Hồ sơ, thủ tục xét hưởng chế độ mai táng phí đối với Cựu chiến binh từ trần thực hiện tương tự như đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Điều 39 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH.

 

  • Các chế độ, quyền lợi khác

Bên cạnh những chính sách, chế độ trên; pháp lệnh 27 đã quy định:

  • CCB (thuộc đối tượng quy định trong điều 3, Pháp lệnh số 22/2020/UBTVQH14) còn được hưởng các chế chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng theo điều 4, của Pháp lệnh số 22/2020/UBTVQH14, như: Điều dưỡng phục hồi sức khỏe; Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở; Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước;….[8]
  • CCB được ưu tiên tạo việc làm, giao đất, giao rừng, giao mặt nước để sản xuất, kinh doanh và tham gia các dự án phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của Chính phủ.
  • CCB nghèo được ưu tiên vay vốn ngân hàng chính sách, các nguồn vốn ưu đãi khác để sản xuất, kinh doanh nhằm mục đích xóa đói, giảm nghèo, và được hưởng các chính sách khác đối với người nghèo.
  • CCB hết tuổi lao động, cô đơn, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập được Nhà nước và xã hội tiếp nhận, chăm sóc tại các trung tâm nuôi dưỡng xã hội.
  • CCB được tham gia Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ban liên lạc Cựu quân nhân theo quy định của Điều lệ Hội, của pháp luật.

Tóm lại, ưu đãi người có công với cách mạng nói chung và cựu chiến binh nói riêng là một chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước, của Bác Hồ đã bắt đầu triển khai liên tục từ những thời gian đầu khai sinh nước Việt Nam độc lập; nhằm tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng. Đây là chính sách đặc thù gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm, là tình cảm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những người đã không tiếc thân mình hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chính sách này đã thể hiện tính nhân văn của Đảng, của Nhà nước ta trong việc kế thừa được truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” bao đời nay của dân tộc Việt Nam ta.

Chi bộ 7

Tài liệu tham khảo

[1] https://hoiccbvietnam.vn/lich-su-truyen-thong-pa15.html

[2] http://tapchiqptd.vn/vi/nhung-ngay-ky-niem-lon/chinh-sach-doi-voi-nguoi-co-cong-luon-duoc-quan-tam-nhat-quan-thuong-xuyen/18967.html

[3] https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/827437/thuc-hien-tot-chinh-sach-voi-nguoi-co-cong-voi-cach-mang%2C-gop-phan-bao-dam-an-sinh-xa-hoi%2C-phat-trien-ben-vung-dat-nuoc.aspx

[4] https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/tu-van-phap-luat/41299/03-che-do-voi-cuu-chien-binh

[5]http://cuuchienbinhtphcm.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=59&Itemid=124

[6] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Nghi-dinh-146-2018-ND-CP-huong-dan-Luat-bao-hiem-y-te-357505.aspx

[7] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-157-2016-ND-CP-sua-doi-150-2006-ND-CP-huong-dan-mot-so-dieu-Phap-lenh-Cuu-chien-binh-282851.aspx

[8] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Phap-lenh-02-2020-UBTVQH14-uu-dai-nguoi-co-cong-voi-Cach-mang-460718.aspx