Tin tức

Bài viết Kỷ niệm 69 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954-07/05/2023)

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã trở thành một trong những chiến công chói lọi, như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là kết quả sự hội tụ của nhiều nhân tố, trong đó có bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, mà tiêu biểu nhất đó là bản lĩnh và trí tuệ của đại tướng Võ Nguyên Giáp, thể hiện ở việc quyết tâm thay đổi phương châm từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ – vị trí chiến lược

Điện Biên Phủ là một thung lung lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng núi Tây Bắc, có chiều dài khoảng 20 km, rộng từ 6-8km; cách Hà Nội khoảng 200km, cách Luang Prabang (Lào) khoảng 190km theo đường chim bay. Theo đánh giá của tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương Henri Navarre và các nhà quân sự Pháp – Mỹ thì “Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả miền Đông Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Miến Điện (Myanmar) và Trung Quốc”, “Điện Biên Phủ là một cánh đồng rộng lớn nhất, đông dân và giàu có nhất vùng Tây Bắc”. Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong những năm 1952-1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các đại đoàn chủ lực của ta.

Đánh giá Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Dương, nên sau khi đánh chiếm Điện Biên Phủ vào ngày 20/11/1953, quân Pháp không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn lũy và các loại vật tư khác. Được sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật, kinh tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương, biến nó thành “con nhím Điện Biên Phủ”.

Phó tổng thống Mỹ Richard Nixon thị sát Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1953
Ảnh: Chuyên trang Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ

Tóm tắt chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình, nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy với Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Hoàng Văn Thái – Tham mưu trưởng, đồng chí Lê Liêm – Chủ nhiệm Chính trị, đồng chí Đặng Kim Giang – Chủ nhiệm Cung cấp. Đến đầu tháng 03/1954, công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch đã hoàn thành.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tất cả 49 cứ điểm, được chia làm 3 phân khu. Trên chiến trường, ta mở ba đợt tiến công vào Điện Biên Phủ. Đợt 1 của chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn ngày 13/03/1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt 2 diễn ra ngày 30/03/1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt 3 chiến dịch diễn ra ngày 1-5 và kết thúc ngày 07/05/1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, vượt qua muôn vàn gian khổ, “gan không núng, chí không mòn”, đến chiều ngày 07/05/1954, ta đã chiếm sở chỉ huy của địch, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.

Lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm
Ảnh: Báo Tiền Phong

“Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền”

Trở lại với công tác chuẩn bị, sau khi hạ quyết tâm chiến dịch, bộ phận tham mưu của ta và đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đi trước để chuẩn bị chiến trường đã đề nghị phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” nhằm tranh thủ địch vừa tăng cường lực lượng, đứng chân chưa vững, ta tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ trong “3 đêm 2 ngày”. Đại tướng Vi Quốc Thanh – Trưởng phái đoàn quân sự Trung Quốc khuyên ta: “Nếu không đánh sớm, nay mai địch tăng cường thêm quân và củng cố công sự thì cuối cùng không còn điều kiện công kích quân địch nữa”.

Thực hiện phương châm ban đầu này, ta đã huy động hàng chục vạn dân công, hàng vạn thanh niên xung phong, ngày đêm vượt qua đèo cao, núi dốc, vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù để vận chuyển lương thực, vũ khí cho bộ đội đánh giặc và phá bom nổ chậm của địch, mở đường đến các trận địa. Hàng chục khẩu pháo các loại và hàng vạn bộ đội đã bí mật vào vị trí tập kết, sẵn sàng chờ mệnh lệnh “khai hỏa” vào 17 giờ ngày 25/01/1954.

Cuối tháng 12/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi lên đường ra mặt trận, tại Thủ đô kháng chiến ở Tân Trào, Đại tướng đã đến chào Bác Hồ. Bác Hồ hỏi Đại tướng: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường, có gì trở ngại không?”. Đại tướng trả lời: “…Chỉ trở ngại là ở xa có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ chính trị”. Nghe vậy, Bác Hồ nói với Đại tướng: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. Chia tay Đại tướng, Bác Hồ căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Thực sự đây là vinh dự lớn lao, đồng thời là trách nhiệm hết sức nặng nề của Đại tướng đối với Đảng, nhân dân và quân đội.

Từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”

Mọi công việc chuẩn bị cả về vật chất và tinh thần cho trận đánh được triển khai theo phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” đã hoàn tất. Nhưng trước ngày nổ súng Đại tướng nhận thấy địch không ngừng củng cố công sự ngày càng vững chắc, không còn ở thế phòng ngự dã chiến như ban đầu. Như vậy tình thế chiến trường đã thay đổi và phương châm “Đánh nhanh thắng nhanh” đã không còn phù hợp. Về phía ta, Đại tướng cho rằng có 3 khó khăn nổi lên. Một là: Bộ đội chủ lực của ta đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là Tiểu đoàn địch tăng cường có công sự vững chắc, nhưng cũng có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều. Hai là: Trận này tuy ta không có máy bay, xe tăng, nhưng đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh – pháo binh với quy mô lớn đầu tiên mà lại chưa qua diễn tập. Ba là: Bộ đội ta từ trước tới nay chỉ quen tác chiến ban đêm, chủ lực của ta chưa có kinh nghiệm tấn công ban ngày trên địa bàn bằng phẳng với kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh, xe tăng, trận đánh lại diễn ra trên bình diện với chiều dài khoảng 18 km và rộng từ 6 -7 km.

Trong Hồi ký “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng viết:

“…Mỗi ngày, tôi càng nhận thấy rõ là không thể đánh nhanh được. Lời Bác dặn trước lúc lên đường và nghị quyết Trung ương hồi đầu năm lại văng vẳng bên tai: “Chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn!”.

Đêm ngày 25 tháng 1 năm 1954, tôi không sao chợp mắt được. Đầu đau nhức. Đồng chí Thùy, y sĩ, buộc trên trán tôi một nắm ngải cứu. Tôi đã hiểu vì sao mọi người đều muốn đánh nhanh… Lý do chính là e thời gian chuẩn bị kéo dài… tập đoàn cứ điểm ngày càng mạnh… ta mất cơ hội tiêu diệt địch… Đặc biệt, mọi người đều tin vào khí thế của bộ đội… Nhưng… Không phải chỉ với… tinh thần cao mà lúc nào cũng chiến thắng… Chúng ta cũng không thể giành chiến thắng với bất cứ giá nào, vì phải giữ gìn vốn liếng cho cuộc chiến đấu lâu dài.

Khi nghe anh Thái nói lần đầu ở Tuần Giáo về khả năng đánh nhanh thắng nhanh, tôi đã cảm thấy làm như vậy là mạo hiểm. Từ đó đến nay, tình hình địch đã thay đổi nhiều. Chúng đã củng cố công sự phòng ngự, không còn là trận địa dã chiến. Bộ đội sẽ phải tiến hành một trận công kiên vào một tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc chưa từng có…

Ba khó khăn hiện lên rất rõ.

Thứ nhất, bộ đội chủ lực ta… vẫn có những trận đánh không thành công, bị thương vong nhiều. Thứ hai, trận này… đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn lần đầu, mà lại chưa qua diễn tập. Vừa qua, có trung đoàn trưởng xin trả pháo vì không biết phối hợp thế nào! Thứ ba,… Trận đánh sẽ diễn ra trên một cánh đồng dài 15km và rộng 6-7km… Tất cả những khó khăn đó đều chưa được bàn bạc kỹ và tìm ra cách khắc phục. Nhưng giải quyết ra sao bây giờ? Pháo đã vào vị trí, các đại đoàn đều có mặt ở tuyến xuất phát xung phong. Quyết định hoãn trận đánh một lần nữa sẽ tác động tới tinh thần bộ đội như thế nào?…

Tôi cảm thấy phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa để nghiên cứu một cách đánh khác dù bộ đội có thắc mắc. Phải chuyển từ phương án “đánh nhanh thắng nhanh” sang phương án “đánh chắc tiến chắc”…

Phải họp ngay Đảng ủy Mặt trận… Suốt đêm tôi chỉ mong trời sáng”.

Văn phòng thông báo cuộc họp Đảng ủy mặt trận… Tôi trình bày những suy nghĩ đã có từ lâu… Mặc dù trong buổi họp nhiều ý kiến chưa thông suốt với cách chuyển hướng chiến lược trận đánh, nhưng trước lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh… cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công… Trong ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”.

Mặc dù mấy vạn quân đã vào vị trí, đạn dã lên nòng, sẵn sàng “Dội lửa” lên đầu kẻ thù vào 17 giờ ngày 25/01/1954 như kế hoạch đã định. Nhưng Đại tướng quyết định dừng lại cho lui quân về vị trí tập kết, kéo pháo ra để chuẩn bị trận địa đánh theo phương án mới “Đánh chắc, tiến chắc”. Với cách đánh này, quân ta sẽ đánh dần từng bước, tiêu diệt từng bộ phận quân địch theo lối “Bóc vỏ”, dồn địch vào tình thế ngày càng bị động, co cụm để tiêu diệt chúng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ảnh: Trang Thông tin về  phổ biến giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp

Quyết định thay đổi phương châm và kế hoạch đã được triển khai, sau đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về Trung ương Đảng bằng thư hỏa tốc. Quyết định của Đại tướng được Bác Hồ và Bộ Chính trị nhất trí và tiếp tục động viên hậu phương đem toàn lực chi viện cho tiền tuyến đánh thắng. Thay đổi phương châm tác chiến từ phương châm: “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” là một “Quyết định lịch sử” nhưng không hề dễ dàng của một vị tướng tài năng quân sự kiệt xuất, giàu bản lĩnh, kinh nghiệm và đầy bản chất nhân văn. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi”. Nhưng đây là quyết định sáng suốt và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi cuộc chiến tranh. Đánh giá về quyết định lịch sử này, tướng Lê Trọng Tấn, trong dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên, nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Còn tướng Vương Thừa Vũ nhận xét: “Nếu theo cách đánh cũ, thì cuộc kháng chiến chống Pháp có thể bị kéo dài thêm tới 10 năm”.

Nhờ vào quyết định lịch sử đó mà chúng ta đã có một chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là cơ sở quân sự vững chắc cho phái đoàn đàm phán ngoại giao của ta tiếp tục đấu tranh và buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneve ngày 20/7/1954, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở ra bước ngoặt mới của cách mạng Việt Nam: miền Bắc được giải phóng, tiến lên cách mạng XHCN và trở thành hậu phương vững chắc để tiếp tục thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân 1975.

Chi bộ 7

TÀI LIỆU THAM KHẢO