Hoàng Văn Thụ – Ngọn cờ dẫn lối cách mạng Việt Nam
“Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải giữ vững khí tiết của người cộng sản, kiên quyết đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc.” – Đồng chí Hoàng Văn Thụ
Đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909–1944) là một nhà cách mạng xuất sắc, người chiến sĩ kiên trung của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Đông Dương, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.
Hoàng Văn Thụ sinh ngày 4 tháng 11 năm 1909, tại làng Phù Lưu, xã Nhân Lý, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là một vùng quê miền núi phía Bắc, giàu truyền thống yêu nước, gắn bó với phong trào chống thực dân Pháp từ những năm cuối thế kỷ 19. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, sống chủ yếu bằng nghề nông. Bối cảnh nghèo khó cùng cảnh đất nước bị đô hộ đã sớm ảnh hưởng đến nhận thức và lòng yêu nước của ông. Thuở nhỏ, Hoàng Văn Thụ theo học chữ Nho và chữ Quốc ngữ tại quê nhà. Ông là người thông minh, ham học, và tiếp thu nhanh những tư tưởng tiến bộ từ các sách báo yêu nước lưu truyền trong vùng. Những câu chuyện về các phong trào chống thực dân Pháp, đặc biệt là khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám và các cuộc đấu tranh chống sưu thuế ở Trung Kỳ, đã hun đúc tinh thần yêu nước trong ông từ rất sớm [1].
Lạng Sơn thời kỳ đó là cửa ngõ giao lưu giữa Việt Nam và Trung Quốc, nơi tư tưởng cách mạng của các lãnh tụ như Nguyễn Ái Quốc lan tỏa mạnh mẽ. Điều này có ảnh hưởng lớn đến nhận thức của Hoàng Văn Thụ. Ở tuổi thiếu niên, ông được chứng kiến nhiều biến động mới của phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi khắp cả nước, đặc biệt là cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925), để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (1926) đã thôi thúc Hoàng Văn Thụ cùng nhóm học sinh yêu nước tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; rồi sau đó tham gia rải truyền đơn ở thị xã Lạng Sơn [2].
Vào tháng Giêng năm 1928, Hoàng Văn Thụ cùng Lương Văn Tri rời Đồng Đăng (Lạng Sơn) sang Trung Quốc để gặp ông Bùi Ngọc Thành, đại diện Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đang hoạt động tại khu vực Long Châu – Nam Ninh. Dưới bí danh Lôi Minh Hạ, Hoàng Văn Thụ vừa làm thợ cơ khí vừa bí mật tuyên truyền, xây dựng cơ sở quần chúng để hỗ trợ cách mạng Việt Nam [3]. Hoạt động này đã tạo điều kiện để ông chính thức được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào cuối năm 1928. Vào đầu năm 1929, Hoàng Văn Thụ được giới thiệu làm việc tại “Tu giới sở.” Trong quá trình hoạt động thực tiễn, ông đã xây dựng được một số cơ sở bí mật tại Long Châu để hỗ trợ cách mạng. Sau đó, ông được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng [2]. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 3/2/1930, Hoàng Văn Thụ trở thành một trong những đảng viên đầu tiên tại Lạng Sơn và được Chi bộ Đảng giao nhiệm vụ phụ trách và phát triển phong trào cách mạng tại tỉnh Lạng Sơn. Các tổ chức quần chúng mà ông xây dựng đã lan rộng khắp vùng biên giới Việt-Trung, tập trung tại các địa phương như Ma Mèo, Tà Lài, và Khưa Đa. Sau phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh (1930-1931) bị thực dân Pháp đàn áp ác liệt, Hoàng Văn Thụ được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo và mở rộng phong trào quần chúng cách mạng tại tỉnh Lạng Sơn [1].
Vào tháng 4 năm 1932, từ Lạng Sơn, Hoàng Văn Thụ tham gia một lớp huấn luyện ngắn ngày tại một căn nhà trên phố Nam Thành (Trung Quốc). Lớp học do đồng chí Lê Hồng Phong tổ chức, tập trung vào các mục tiêu của cách mạng tư sản dân quyền và những nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng Đảng, cũng như đấu tranh chống các tư tưởng cơ hội. Dựa trên tình hình thực tế về công tác và nhân sự, vào cuối năm 1932 đầu năm 1933, đồng chí Lê Hồng Phong thành lập Đảng bộ đặc biệt Long Châu. Đồng chí Hoàng Đình Giong được cử làm Bí thư, còn Hoàng Văn Thụ giữ vai trò Phó Bí thư. Chi bộ Long Châu “được giao nhiệm vụ gây dựng và phát triển phong trào quần chúng cách mạng ở vùng biên giới Cao Bằng – Lạng Sơn, hướng dẫn thanh niên yêu nước sang dự những lớp huấn luyện cách mạng ở nước ngoài, đưa đón cán bộ đi hoạt động” [4]. Trong những tháng ngày hoạt động tại Long Châu (Trung Quốc), “anh phải vượt biết bao nhiêu khó khăn, sống những ngày thiếu thốn nhất để tiếp tục hoạt động cách mạng. Có lần đi xa, dọc đường anh phải đóng vai bán thuốc cao để kiếm tiền lộ phí và thậm chí phải đi xin ăn” [5], đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nêu cao ý thức chấp hành tổ chức, kỷ luật của người đảng viên cộng sản; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất. Đầu năm 1933, Hoàng Đình Giong chuyển về Hải Phòng và vùng mỏ Đông Bắc để gây dựng phong trào, khôi phục tổ chức Đảng. Lúc này, Hoàng Văn Thụ được giao nhiệm vụ làm Bí thư, trở về Lạng Sơn để vận động thanh niên tham gia các lớp huấn luyện tại Long Châu. Đến giữa năm 1933, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn được thành lập, với Hoàng Văn Thụ giữ cương vị Bí thư, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong phong trào cách mạng tại địa phương [2]. Đến đầu năm 1934, đồng chí Lê Hồng Phong, thay mặt Trung ương Đảng, tuyên bố thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn và giao Hoàng Văn Thụ trực tiếp phụ trách tổ chức này, nhằm củng cố và phát triển phong trào cách mạng trong khu vực [1]. Với vai trò này, ông tổ chức, chỉ đạo các phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân, và trí thức trong tỉnh, đồng thời xây dựng lực lượng cốt cán để chuẩn bị cho những hoạt động cách mạng lớn hơn.
Từ giữa năm 1935, thực dân Pháp tiến hành khủng bố ác liệt, khiến nhiều cơ sở cách mạng bị “vỡ”, hàng loạt cán bộ và quần chúng cách mạng bị bắt giam hoặc sát hại. Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ về việc củng cố và phát triển phong trào cách mạng tại vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là khu vực biên giới, Hoàng Văn Thụ, với vai trò cán bộ đặc trách chỉ đạo vùng Cao – Bắc – Lạng, đã trực tiếp đến Bắc Sơn vào giữa năm 1936. Tại đây, ông nhanh chóng xây dựng được nhiều cơ sở quần chúng trung kiên tại các địa phương như Vũ Lăng, Vũ Lễ, Hữu Vĩnh, Ngư Viễn, Vũ Sơn, và Hững Vũ. Ông trực tiếp bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, và ngày 25/9/1936, chi bộ Đảng đầu tiên ở Bắc Sơn được thành lập tại thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng, gồm 4 đảng viên. Từ năm 1936, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, các cơ sở quần chúng tại Tràng Định được củng cố, với nhiều hình thức tuyên truyền và đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Những lớp dạy chữ quốc ngữ tại Phi Mỹ (nay là xã Tri Phương) được kết hợp với việc tuyên truyền, giải thích chủ trương đấu tranh cách mạng của Đảng. Đặc biệt, tại thôn Nà Han, Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp giác ngộ quần chúng, bồi dưỡng và kết nạp đảng viên. Vào ngày 11/4/1938, ông tổ chức thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại Tràng Định, đánh dấu bước phát triển mới cho phong trào cách mạng trong khu vực [2].
Để đáp ứng yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Trung ương đã quyết định điều động đồng chí về Hà Nội, giao nhiệm vụ công tác tại Xứ ủy Bắc Kỳ. Ngày 8/9/1939, Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) bàn chủ trương chỉ đạo phong trào cách mạng trong giai đoạn mới. Tại Hội nghị này, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng Thành ủy Hà Nội và vùng phụ cận [3]. Trên cương vị Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đề nghị Xứ uỷ lập tờ báo “Giải phóng” làm cơ quan tuyên truyền của Xứ uỷ. Đảm nhận vai trò chủ bút, Đồng chí thường xuyên viết nhiều bài tuyên truyền chủ trương đấu tranh của Đảng, của Xứ uỷ Bắc Kỳ với bí danh là Lý [1].
Từ ngày 6 đến 9 tháng 11 năm 1940, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7, đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao nhiệm vụ thay mặt Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng Khu căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai. Đồng thời, Hội nghị đã nhất trí cử Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Trường Chinh làm Quyền Tổng Bí thư, đồng chí Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt là Ủy viên Thường vụ. Theo quyết định của Hội nghị này, cuối tháng 12, đồng chí sang Trung Quốc liên lạc với Nguyễn Ái Quốc để báo cáo tình hình phong trào cách mạng trong nước và kế hoạch tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Nhằm tăng cường công tác vận động quần chúng, tháng 10 năm 1942, Ban Thường vụ Trung ương quyết định xuất bản báo Cờ Giải phóng – cơ quan tuyên truyền, cổ động của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Hoàng Văn Thụ phụ trách [6].
Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Biết là cán bộ cao cấp của Đảng, Phủ Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho Sở mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt đồng chí Hoàng Văn Thụ khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của Đảng. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình. Song vẫn không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ. Trong cơn đau thể xác do kẻ thù tra tấn, Đồng chí vẫn kiên cường bảo vệ Đảng, bảo vệ đồng chí, động viên mọi người nhớ đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân [7].
Bất lực trước ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ, ngày 21/12/1943, thực dân Pháp cho mở cái gọi là “Toà án đại hình” để xử tội đối với đồng chí. Tại phiên toà, chúng còn cho một số anh em tù chính trị của ta tới dự, hòng gây áp lực đánh vào tinh thần của các đồng chí của ta đang bị giam cầm tại nhà tù Hoả Lò, Hà Nội. Nêu cao tinh thần tiến công cách mạng, Đồng chí đã dùng phiên tòa làm nơi luận tội kẻ thù, tuyên truyền đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, kêu gọi các đồng chí của mình nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bền bỉ, tiêu diệt đế quốc, giải phóng đất nước [1].
Rạng sáng ngày 24/5/1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh anh dũng tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Trước mặt kẻ thù, Đồng chí đã nói những lời đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Trong giờ phút vĩnh biệt đồng bào, đồng chí của mình, Đồng chí đã nêu cao khí phách của người chiến sĩ cộng sản, hiên ngang trước quân thù, hô vang:
Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
Việt Nam độc lập muôn năm! [1]
Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí. Tuổi thanh xuân và cuộc đời đấu tranh cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ đã trở thành bài ca cách mạng vang mãi cho các thế hệ cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ được nhân dân và Đảng Cộng sản Việt Nam ghi nhớ và vinh danh như một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, tinh thần hy sinh vì Tổ quốc. Tên ông được đặt cho nhiều trường học, đường phố, và công trình trên khắp cả nước, tiêu biểu như công viên Hoàng Văn Thụ ở TP.HCM và nhiều địa danh tại Lạng Sơn. Cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng Văn Thụ là nguồn cảm hứng lớn lao cho các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước.
Tác giả: Chi bộ 6
Tài liệu tham khảo:
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ – Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum, 2019. https://www.bandantoc.kontum.gov.vn/thong-tin-tuyen-truyen-pbgdpl/Dong-chi-Hoang-Van-Thu—Nguoi-chien-si-cong-san-kien-trung,-bat-khuat-722
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ – tấm gương sáng của đạo đức cách mạng, Tạp chí Cộng sản, 2019. https://tapchicongsan.org.vn/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/815405/dong-chi-hoang-van-thu—tam-guong-sang-cua-dao-duc-cach-mang.aspx
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ – Người Cộng Sản Anh Hùng, Cổng thông tin điện tử Đảng Bộ Tỉnh Quảng Trị, 2019. https://tinhuyquangtri.vn/-%E2%80%9Cdong-chi-hoang-van-thu-nguoi-cong-san-anh-hung%E2%80%9D
- Hoàng Văn Thụ:Người chiến sĩ cộng sản kiên trung bất khuất, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Lạng Sơn, Nxb. Lạng Sơn, 1984.
- Đảng Lao động Việt Nam:Hoàng – Văn – Thụ người chiến sĩ cộng sản gang thép, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, tháng 5-1964.
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ: Người cộng sản kiên cường, sống mãi với non sông Việt Nam, Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, 2021. https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/dong-chi-hoang-van-thu-nguoi-cong-san-kien-cuong-song-mai-voi-non-song-viet-nam-1491886741
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Tạp chí Quân đội nhân dân, 2023. https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/dong-chi-hoang-van-thu-voi-su-nghiep-cach-mang-cua-dang-va-dan-toc-749967