Công tác Tuyên giáoTin tức

Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 – Ý nghĩa thắng lợi từ quan điểm của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình hướng đến nền ngoại giao “cây tre Việt Nam”

Trong những ngày tháng 5/2024 vừa qua tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên và các tỉnh thành trên cả nước, toàn Đảng toàn quân và nhân dân ta đã tổ chức nhiều sự kiện chính trị kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với niềm tự hào sâu sắc và hướng đến một tương lai ổn định, hoà bình và phát triển không chỉ cho đất nước ta mà còn cho cả khu vực và trên toàn thế giới. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn gắn liền với một chiến thắng trên lĩnh vực ngoại giao – chiến thắng của nền ngoại giao hoà bình, hoà hiếu Việt Nam. Đó là Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết về việc đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và lập lại hòa bình ở Đông Dương có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta đồng thời khẳng định từ vị thế nền ngoại giao vì hoà bình, hoà hiếu trên trường quốc tế hướng đến ngoại giao “cây tre Việt Nam” để Việt Nam trở thành một nhân tố không thể thiếu trong việc củng cố hoà bình và phát triển của thế giới hiện đại.

70 năm qua, Việt Nam và thế giới đã có nhiều đổi thay. Nhìn về quá khứ từ hiện tại để hướng tới tương lai trong xu thế hoà bình và phát triển đã giúp cho những có ai liên quan và quan tâm có được thông tin đầy đủ hơn để đánh giá và nhận xét xác thực hơn. Phần lớn những người yêu chuộng hoà bình và công lý trên toàn thế giới đều nhận thấy, chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam và Hiệp định Giơ-ne-vơ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là những dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh chính nghĩa trường kỳ, gian khổ của nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự lớn mạnh của cách mạng Việt Nam nói chung, của nền ngoại giao Việt Nam nói riêng.

Thiện chí, tư tưởng yêu chuộng hòa bình, phương châm hoà hiếu trong xử lý các mối quan hệ quốc tế vốn đã trở thành truyền thống và bản sắc của dân tộc Việt Nam đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh biến thành nền tảng cơ sở, tạo thành con đường đưa đến Hội nghị và Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. “Hòa bình và hữu nghị, chống chiến tranh xâm lược và áp bức bóc lột” là cặp thông điệp đối ngoại đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới sau Cách mạng Tháng Tám gửi tới cộng đồng quốc tế. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm tất cả những gì có thể làm được để vãn hồi hòa bình, ngăn chặn chiến tranh. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất trong việc ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946. Khi không thể tránh khỏi một cuộc chiến tranh, với phương châm “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, với thế và lực khiêm tốn của đất nước ta thời bấy giờ, nhân dân ta buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 26/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định thiện chí hoà bình và quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta là cuộc đấu tranh vì chính nghĩa. Chính nền tảng chính nghĩa đó đã đưa nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cuộc kháng trường kỳ đó. Trong cuộc đấu tranh không cân sức với thế lực bạo tàn, nhân dân ta đã chịu nhiều mất mát hy sinh, nhưng chính nghĩa của Việt Nam ngày càng ngời sáng, thế và lực của Việt Nam ngày càng hùng hậu; sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế, của lực lượng yêu chuộng hoà bình và công lý trên toàn thế giới đối với chúng ta ngày càng mạnh mẽ. Tuy vậy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn kiên trì thiện chí hòa bình, mong muốn đàm phán với Chính phủ Pháp để sớm kết thúc cuộc chiến tranh.
Ngày 26/11/1953, trả lời phỏng vấn của báo Expreson của (Thuỵ Điển) về thái độ của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước thông tin “ở Quốc hội Pháp đã chứng tỏ rằng, một số lớn chính trị gia Pháp muốn dàn xếp một cách hòa bình vấn đề xung đột ở Việt Nam bằng cách thương lượng trực tiếp với Chính phủ Việt Nam. Ý nguyện ấy càng rộng khắp trong nhân dân Pháp. Thế thì Cụ và Quý Chính phủ hoan nghênh ý nguyện ấy hay không?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do Chính phủ Pháp gây ra, nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí anh dũng chiến đấu bảy, tám năm nay chống kẻ xâm lược chính để bảo vệ nền độc lập và quyền tự do được sống hòa bình… Nếu Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó (…). Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam”.

Ngày 19/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sẵn sàng nói chuyện”. Ngày 15/3/1954, báo cáo trước Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu rõ: “Phương châm đấu tranh của ta là vừa đánh, vừa nói chuyện. Phải chủ động cả hai mặt nhưng yếu tố quyết định vẫn là đấu tranh quân sự. Ta càng đánh càng thắng, nói chuyện càng thuận lợi… Phải tích cực chủ động cả về quân sự lẫn ngoại giao”. (3)

Như vậy, chính thiện chí hòa bình của Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một cơ hội đi đến chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

Những chuyển biến trong tình hình thế giới đầu những năm 50, đặc biệt là trong quan hệ giữa các nước lớn, cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và ý đồ của Mỹ lợi dụng sự suy yếu của Pháp để tăng cường dính líu và can thiệp vào Đông Dương đã tác động mạnh mẽ đến chiều hướng diễn biến của cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Năm 1953, Liên Xô đưa ra sáng kiến triệu tập Hội nghị 5 nước lớn (Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ và Pháp) để tìm giải pháp giảm căng thẳng ở Đông Dương. Tháng 2/1954, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước: Liên Xô, Anh, Pháp và Mỹ họp tại Béc-lin đã quyết định triệu tập Hội nghị Giơ-ne-vơ với sự tham gia của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào tháng 4/1954 để giải quyết hòa bình ở Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ý tưởng triệu tập Hội nghị Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được Liên Xô đưa ra còn trước cả thời điểm thực dân Pháp tiến hành xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ lại là nhân tố quyết định đối với diễn biến và kết quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954. Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu sự thất bại của chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam, làm tăng vị thế cho đoàn Việt Nam tại Hội nghị Giơ-ne-vơ và buộc Pháp cùng một số nước khác phải ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam. Ngoại giao Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chính cuộc kháng chiến ấy, cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở đường cho ngoại giao Việt Nam có được bước trưởng thành quan trọng tại Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.

Với Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, lần đầu tiên Việt Nam tham dự một hội nghị quốc tế cùng với tất cả các nước lớn, chủ động bảo vệ và thực hiện lợi ích của mình. Tại Hội nghị này, ngoại giao Việt Nam với điểm tựa là thắng lợi quân sự trên chiến trường, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ, để tìm cách chấm dứt cuộc chiến tranh một cách có lợi nhất và vào thời điểm thuận lợi nhất cho đất nước, đồng thời phát huy tác động và ý nghĩa quốc tế của thắng lợi trên chiến trường. Hội nghị Giơ-ne-vơ là một cuộc đấu tranh ngoại giao gay go và phức tạp, cuộc đấu trí ngoại giao đầu tiên của chúng ta với đồng thời nhiều nền ngoại giao lớn trên thế giới.

Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị đã tỏ rõ bản lĩnh của những người có chính nghĩa, đã luôn kiên trì và tỉnh táo, tự chủ và linh hoạt, chủ động tấn công và đề cao thiện chí, chính nghĩa để bảo vệ lợi ích của đất nước. Với Hội nghị Giơ-ne-vơ, ngoại giao Việt Nam đã chính thức bước ra với thế giới ngoại giao đa phương và ngoại giao Việt Nam như được chắp thêm cánh, tiếp thêm lực để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân tin tưởng giao phó. Hội nghị Giơ-ne-vơ đã làm cho vai trò của Việt Nam nổi bật trên diễn đàn quốc tế và xác lập vị thế quốc tế của Việt Nam.

Quang cảnh Phiên khai mạc Hội nghị Giơ – ne – vơ về Đông Dương, ngày 8-5-1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 Những bài học trường tồn với nền ngoại giao Việt Nam mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Giơ – ne – vơ là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học còn nguyên giá trị về nguyên tắc, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Trước hết, đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia – dân tộc. Quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Giơ – ne – vơ cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn giá trị của nguyên tắc độc lập, tự chủ trong các vấn đề quốc tế. Bởi các quốc gia đều vì lợi ích của mình, nên chỉ có kiên định độc lập, tự chủ mới giúp chúng ta giữ vững thế chủ động và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc.

Thứ hai, bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn kết đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế để tạo nên “một sức mạnh vô địch.” Bên cạnh phát huy tối đa sức mạnh ngọn cờ chính nghĩa và khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng ta đã có chủ trương đúng đắn về không ngừng mở rộng đoàn kết quốc tế, trước hết là đoàn kết với Lào, Cam – pu –  chia, các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Thứ ba, bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến.”

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, sách lược của ta thì linh hoạt” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2011, Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 8, trang 555), trong đàm phán và thực thi Hiệp định Giơ – ne – vơ, cái gốc “bất biến” là Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đến Hiệp định Pa – ri 1973 sau này.

Còn “vạn biến” là trong lúc chưa thể thực hiện được trọn vẹn mục tiêu cuối cùng, có thể linh hoạt và biến hóa trong sách lược để rồi từng bước tiến tới đạt được mục tiêu bất biến. Đó là một phương pháp và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh được kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta; đồng thời, thể hiện bản sắc “cây tre Việt Nam” của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, “gốc vững,” “thân chắc,” “cành uyển chuyển.”

Thứ tư, bài học về coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, “biết mình,” “biết người,” “biết thời,” “biết thế” để từ đó “biết tiến,” “biết thoái,” “biết cương,” “biết nhu.” Đây là bài học sâu sắc, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay đang trải qua những biến động lớn, phức tạp và khó lường, càng phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo tình hình thế giới, nhất là chuyển động của các xu hướng lớn, điều chỉnh chiến lược, chính sách của các đối tác, trên cơ sở đó chủ động có đối sách phù hợp với từng đối tác, từng vấn đề.

Thứ năm, bài học về sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế. Cùng với quyết định mở cuộc tiến công Chiến lược Đông – Xuân 1953-1954, Đảng ta đã chủ trương dùng biện pháp đàm phán hòa bình để chấm dứt chiến tranh, từ đó đã mở hướng đi tới một cuộc đàm phán để kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.

Dù có thể có góc nhìn khác nhau, song không thể phủ nhận Hội nghị Giơ – ne – vơ đã để lại một bài học mang tính thời đại về giải quyết bất đồng và xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay đang diễn ra nhiều xung đột phức tạp.

Thứ sáu, bài học bao trùm là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng. Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối và sách lược cách mạng đúng đắn, mở ra mặt trận ngoại giao chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ và thống nhất với các mặt trận chính trị, quân sự để tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm cao nhất lợi ích dân tộc.

Những bài học nổi bật nói trên cùng nhiều bài học quý báu khác từ Hiệp định Giơ – ne – vơ đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Pa – ri 1973 cũng như trong triển khai công tác đối ngoại hiện nay.

Trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, chúng ta luôn nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn này, đến nay nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, có mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước. Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế lớn như Liên hiệp quốc, ASEAN, WTO, APEC, ASEM…; đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do, tạo nên một mạng lưới liên kết kinh tế rộng mở với khoảng 60 nền kinh tế trên thế giới.

Nhìn lại lịch sử 70 năm Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương cho thấy, thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam đã khẳng định đường lối đấu tranh cách mạng tiến công, biết dừng để tiến và tiến vững chắc đến mục tiêu cuối cùng là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đảng ta. Để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, Đảng ta đã có tầm nhìn xa và phương pháp đấu tranh cách mạng đúng đắn, không chủ quan khinh địch, thắng không kiêu, biết thắng từng bước, tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Ngày nay, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc,… bằng biện pháp hòa bình đang là xu thế thời đại. Vì vậy, nghiên cứu, phát triển bài học về nghệ thuật biết thắng từng bước trong Hội nghị Giơ-ne-vơ là cơ sở quan trọng để đề ra những giải pháp có tính khả thi cao, nhằm phát triển đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bài viết của Chi bộ 7

 

Tài liệu tham khảo;

(1)Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam , 2014, Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 – Thắng lợi của nền ngoại giao vì hoà bình, hoà hiếu Việt Nam <http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/news/2014/7/57949614A6E7730A/ >

(2) Tạp chí xây dựng Đảng, 2024. Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ <https://www.xaydungdang.org.vn/ly-luan-thuc-tien/hiep-dinh-gio-ne-vo-1954-mot-moc-son-lich-su-cua-nen-ngoai-giao-viet-nam-20891>

(3) Tạp chí quốc phòng toàn dân, 2019. Hiệp định Giơ-ne-vơ và bài học về nghệ thuật biết thắng từng bước < http://tapchiqptd.vn/vi/su-kien-lich-su/hiep-dinh-gionevo-va-bai-hoc-ve-nghethuat-biet-thang-tung-buoc/14072.html >

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, 2011, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, Tập 8, trang 555