Đồng chí Huỳnh Tấn Phát – Tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15-2-1913 / 15-2-2023), nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước; nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, VI, VII, VIII; kiến trúc sư, người con quê hương Bến Tre.
Tiểu sử, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát, sinh ngày 15-2-1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình địa chủ phá sản. Với tư chất thông minh, ông lần lượt tốt nghiệp bậc tiểu học, bậc trung học tại Trường dòng Laxan Tabe Mỹ Tho, Trường trung học Mỹ Tho, Trường trung học Pétrus Ký (Sài Gòn). Ông là một sinh viên ưu tú của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội), là thủ khoa ngành kiến trúc năm 1938.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng gia đình trong lần về thăm quê hương (Ảnh Bảo tàng tỉnh Bến Tre).
Trong quá trình học tập, người thanh niên Huỳnh Tấn Phát khi ấy không chỉ nổi bật về tài năng và trình độ học vấn mà ông còn tham gia sôi nổi trong mọi hoạt động của Tổng hội Sinh viên Đông Dương và Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ, sớm hình thành tình cảm cách mạng và có nhận thức về phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Ngày 5/3/1945, ông được đồng chí Trần Văn Giàu bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát bước vào một thời kỳ mới. Ông quyết định đóng cửa văn phòng kiến trúc sư đang hoạt động hiệu quả để chuyên tâm vào hoạt động cách mạng. Đồng chí là Chủ nhiệm tuần báo “Thanh niên Tiền phong”; Trưởng Ban cổ động Hội Truyền bá quốc ngữ Nam Kỳ; Trưởng Ban cổ động của phong trào “Cứu trợ nạn đói ở Bắc Kỳ” năm 1945.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát thăm Phá Tam Giang (Huế) sau một trận lũ lụt (Ảnh tư liệu).
Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, hy sinh (1954-1975), trong mỗi thắng lợi của cách mạng miền Nam đều có dấu ấn quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát từng giữ các chức vụ quan trọng. Đầu năm 1959, ông ra chiến khu, được cử làm Khu ủy viên Đặc khu Sài Gòn-Gia Định. Năm 1962, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam lần thứ I, ông được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Ngày 6/6/1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền nam Việt Nam bầu ông làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam.
Giúp đất nước phần nào thoát khỏi bao vây, cấm vận
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát tích cực hoạt động, phát huy vai trò Chính phủ Cách mạng lâm thời trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí đã thông qua Chương trình hành động 12 điểm, trong đó nêu rõ các chính sách đối nội và đối ngoại.
Sau khi thành lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã nhận được sự công nhận rộng rãi của các nước yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới. Ngay trong tháng thành lập (6-1969), Chính phủ Cách mạng lâm thời đã được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ.
Đầu năm 1972, thêm 11 nước đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời với tư cách là Chính phủ đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam.
Tháng 8-1972, Hội nghị ngoại trưởng các nước không liên kết họp tại Guyanna long trọng công nhận địa vị hợp pháp của Chính phủ cách mạng lâm thời trong khối 59 nước không liên kết. Theo thống kê, từ tháng 6-1969 đến cuối năm 1975, có hơn 50 nước công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Huỳnh Tấn Phát cũng luôn luôn là một người cán bộ mẫn cán, tận lực, tận tâm, hết mình với công việc, bằng tinh thần lạc quan, ý chí cách mạng tiến công và kiên định. Hiện nay, tỉnh Bến Tre có 3 ngôi trường, gồm Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, 2 con đường mang tên đồng chí Huỳnh Tấn Phát.
Cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã để lại cho chúng ta bài học quý về lựa chọn lý tưởng sống, lựa chọn con đường đấu tranh cách mạng. Đó còn là bài học về tính kiên định và lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân; về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; về sự gắn bó mật thiết với nhân dân; về không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Noi gương đồng chí Huỳnh Tấn Phát và các vị tiền bối, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
CHI BỘ 3
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Báo điện tử Quân đội Nhân dân, 2023. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát – Tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi nhiệm vụ (https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dong-chi-huynh-tan-phat-tam-guong-sang-ve-tinh-than-trach-nhiem-cao-trong-thuc-thi-nhiem-vu-718956 ) [Ngày truy cập: 16 tháng 02 năm 2023].
- Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, 2023. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến Tre (https://dangcongsan.vn/thoi-su/dong-chi-huynh-tan-phat-voi-cach-mang-viet-nam-va-que-huong-ben-tre-631651.html ) [Ngày truy cập: 17 tháng 02 năm 2023].
- Báo Chính phủ, 2023. Trọng thể kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (https://baochinhphu.vn/trong-the-ky-niem-110-nam-ngay-sinh-dong-chi-huynh-tan-phat-102230215170602251.htm ) [Ngày truy cập: 18 tháng 02 năm 2023].
- Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn, 2023. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát – người cộng sản kiên trung, mẫu mực (https://backan.gov.vn/Pages/dong-chi-huynh-tan-phat–nguoi-cong-san-kien-trung-mau-muc-e272.aspx ) [Ngày truy cập: 19 tháng 02 năm 2023].