Bài viết kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (1922-2022)
Bài viết kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (1922-2022)
Đồng chí Võ Văn Kiệt
Tiểu sử và hoạt động của đồng chí Võ Văn Kiệt
100 năm trước, vào ngày 23 tháng 11 năm 1922, cậu bé Phan Văn Hòa (tên khai sinh lúc nhỏ của đồng chí Võ Văn Kiệt) cất tiếng khóc chào đời tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Lúc chỉ mới 16 tuổi, Chín Hòa đã tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế Đông Dương và sau đó một năm vào tháng 11/1939, lúc chỉ mới 17 tuổi, đồng chí đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trước Cách mạng tháng Tám, đồng chí đã kinh qua các chức vụ như: Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên và lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Thời kỳ 1941-1945, đồng chí hoạt động cách mạng ở Rạch Giá, tham gia Tỉnh ủy lâm thời và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh kiên Giang). Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đồng chí làm Uỷ viên Chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ, sau đó được điều về tỉnh Bạc Liêu làm Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Năm 1955, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy Hậu Giang.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, năm 1959, đồng chí được điều về Khu Sài Gòn – Gia Định làm Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn – Gia Định) cho đến cuối năm 1970. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Là Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, đồng chí tiếp tục làm Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn – Gia Định), rồi Bí thư Khu ủy Khu 9 (Khu Tây Nam Bộ). Năm 1972, đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III. Từ năm 1973 đến 1975 đồng chí được điều về công tác ở Trung ương Cục và là Uỷ viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Trong thời gian chuẩn bị giải phóng Sài Gòn, đồng chí được Trung ương Cục phân công làm Bí thư Đảng ủy đặc biệt trong Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị và được phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại các Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V đến thứ VIII của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị.
Tháng 02/1987, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VIII và được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng.
Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; sau đó tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII (08/1991), đồng chí được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (1992-1997), đồng chí được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001, đồng chí được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dấu ấn Võ Văn Kiệt
Được mệnh danh là “Kiến trúc sư của đổi mới“, “Chủ tịch gạo”, “Tổng công trình sư”, “Tướng xé rào”, “Bí thư xé rào”, đồng chí Võ Văn Kiệt – bác Sáu Dân đã để lại rất nhiều dấu ấn trên tất cả các cương vị đồng chí đã từng kinh qua.
Với thành phố Hồ Chí Minh, trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1976-1982, đồng chí đã có những chủ trương, chính sách đột phá, song song với đó là quyết tâm mạnh dạn đưa các chính sách ra thi hành thí điểm, tiến hành tổng kết đã trở thành những bước đột phá, những căn cứ thực tiễn quan trọng, góp phần hình thành tư duy và đường lối đổi mới sau này.
Thành phố Sài Gòn sau hơn một năm giải phóng, khi nguồn nguyên liệu dự trữ cạn dần, lại thực hiện lối sản xuất kinh doanh chưa phù hợp, nên tình hình kinh tế thành phố ngày càng xuống dốc và bước vào sự khủng hoảng trầm trọng. Nhân dân Sài Gòn lần đầu tiên trong lịch sử phải ăn độn hạt bo bo, khoai, sắn. Là người con của vựa lúa Nam bộ, đồng chí không cam tâm để người dân thành phố đói. Cả Thành ủy, đứng đầu là Bí thư Võ Văn Kiệt đều phải lo “chạy gạo” cho dân. Đồng chí đã mời giám đốc Ngân hàng (ông Lữ Minh Châu), giám đốc Công ty lương thực (bà Ba Thi – Nguyễn Thị Ráo), lãnh đạo các Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải đến giao nhiệm vụ cụ thể để xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mua lúa theo giá sát thị trường (gấp 3 lần giá nhà nước). Làm như vậy là sai nguyên tắc, sai chủ trương và đã bị Ủy ban Vật giá “kiện” lên Trung ương. Sai nguyên tắc, sai chủ trương nhưng lại cứu đói cho dân thành phố sau ngày giải phóng.
Cứu đói là chỉ là biện pháp “chữa cháy”, về cơ bản cần phải phát triển công nghiệp, thương mại vốn là thế mạnh của thành phố. Trong tình trạng các xí nghiệp quốc doanh đều ngắc ngoải, tưởng như không có đường ra, nhiều giám đốc xí nghiệp có rất nhiều trăn trở muốn đề đạt ý kiến với Nhà nước, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thành lập “Câu lạc bộ giám đốc”, quy tụ các giám đốc, Bí thư tổ chức Đảng, phụ trách công đoàn các nhà máy, xí nghiệp quốc doanh. Câu lạc bộ này còn hoạt động kéo dài sau khi đồng chí Võ Văn Kiệt ra Trung ương nhận nhiệm vụ mới, đã đóng góp những cơ sở thực tiễn quan trọng để hình thành tư duy đổi mới. Bản thân đồng chí Võ Văn Kiệt thường xuyên đi sâu tìm hiểu thực tiễn các xí nghiệp, cùng trao đổi với công nhân, người trực tiếp lao động, cụ thể như ở Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội, dệt Phước Long, dệt Thành Công, bột giặt Viso… Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo cho phép làm theo những sáng kiến, sáng tạo của công nhân, giám đốc. Người ta thường cho việc đó là “xé rào”. Nhưng cuối cùng, khi tổng kết đã được coi đó là “bước đột phá” về cách làm ăn mới, cần phải chuyển biến mạnh trong nhận thức, tức là phải đổi mới tư duy.
Song song với việc khảo sát, trực tiếp chỉ đạo thực tiễn hoạt động của các xí nghiệp, nhà máy, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thành lập Văn phòng Công tác nghiên cứu kinh tế trực thuộc Thành ủy, tập hợp trí thức từ các nguồn, trong đó có những chuyên gia kinh tế đã từng giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền Sài Gòn trước 1975. Trên cơ sở những nghiên cứu của Văn phòng về tư duy kinh tế, ngân hàng – tài chính, đầu tư nước ngoài, khu chế xuất, ngoại thương và quan hệ quốc tế, Thành ủy đã có những chủ trương tìm ngoại tệ để mua nguyên liệu sản xuất, nhất là những ngành có sản phẩm xuất khẩu…
Trên cương vị là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và sau đó là Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1991-1997), đồng chí Võ Văn Kiệt được đánh giá là vị Thủ tướng có tinh thần đổi mới mạnh mẽ, là vị “tổng công trình sư” nhiều dự án táo bạo của thời kỳ Đổi mới. Những công trình được thực hiện dưới thời gian đồng chí làm lãnh đạo Chính phủ đã ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Chẳng hạn từ năm 1988, với tư cách Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Phó thủ tướng), đồng chí đã có những quyết đoán cho chủ trương thực hiện chương trình 10 năm đầu tư khai phá vùng Đồng Tháp Mười, khu tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau. Đây là vùng đất vốn bị nhiễm phèn, mặn, nhờ được cải tạo mà trở thành vùng đất màu mỡ, trù phú, phát triển mạnh về nông nghiệp – thủy sản. Hay như năm 1992, trên cương vị Thủ tướng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng công trình đường dây tải điện Bắc – Nam. Đây là hệ thống tải điện với đường dây siêu cao áp 500 kV đầu tiên ở Việt Nam, chuyển tải năng lượng từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình vào miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Tuyến đường dây có tổng chiều dài 1.487 km, sau khi hoàn thành đã giúp khắc phục tình trạng thiếu điện nghiêm trọng tại miền Nam, tạo sức bật cho sự phát triển mạnh mẽ của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh miền Đông Nam Bộ nói chung, khiến nơi đây trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Đồng chí Võ Văn Kiệt trong ngày hoàn thành đường dây tải điện 500 KV Bắc-Nam (tháng 5/1994). Ảnh: Nguyễn Công Thành
Năm 1993, đồng chí ký quyết định xây dựng con đường Trường Sơn công nghiệp hóa với mục tiêu giảm tải phương tiện cho Quốc lộ 1A. Sau 7 năm kể từ quyết định này, Thủ tướng kế nhiệm là đồng chí Phan Văn Khải đã ra lệnh khởi công con đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh.
Trong điều hành Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt cũng là người lập ra “Tổ chuyên gia tư vấn cải cách kinh tế và cải cách hành chính”, quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu góp sức cho Thủ tướng trong việc hoạch định chính sách. Đây là tiền lệ tốt để sau này, các đời Thủ tướng đều lập các tổ tư vấn như: cố Thủ tướng Phan Văn Khải (Ban Nghiên cứu của Thủ tướng), nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Tổ tư vấn của Thủ tướng), nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ).
Đặc biệt đối với Giáo dục Đại học, có thể nói đồng chí Võ Văn Kiệt là người đã khai sinh ra Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bằng nghị định thành lập Đại học Quốc gia năm 1993. Sự ra đời của hai Đại học Quốc gia là dấu mốc đổi mới sâu sắc trong cơ cấu hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện loại trường đại học đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Các quyết định thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Trong cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Võ Văn Kiệt cũng đã có những phát ngôn nổi tiếng:
“Thế hệ trẻ đang lớn lên ở thành phố ta, ra đời từ những hoàn cảnh xã hội khác nhau, chịu ảnh hưởng tinh thần và tín ngưỡng khác nhau. Không ai chọn cửa mà sinh ra. Đối với mỗi người trẻ tuổi đang bước vào đời, chúng ta nhìn họ như nhau, cùng là những người chủ tương lai của thành phố. Xã hội muốn tuổi thanh xuân không mặc cảm và rất thanh thản trong tâm hồn. Không phân biệt đối xử trên con đường đi tới…”
(Phát biểu của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt tại Đại hội Đoàn thành phố, tháng 07/1977)
“Không có chủ trương nào của Đảng, Nhà nước làm cho dân đói khổ, cán bộ lo cho dân no lại bị kỷ luật. Còn nếu cấp trên nghiêm, cứng, cứ yêu cầu phải kỷ luật để làm gương thì thà chịu mất chức còn tốt hơn là ngồi đó để thấy dân mình đói khổ”…
(Phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ “Năm mới nhìn lại bài học 30 năm”, tháng 01/2006)
“-Từng nhiều năm gánh vác chức vụ thủ tướng, ông có thể nói cho thế hệ sau biết bí quyết lãnh đạo của mình?
– Nghe kỹ, nghe ngược, nghe xuôi các nhà nghiên cứu, quản lý (nghe xốn lỗ tai cũng được) trước khi quyết định, và khi ra quyết định thì đừng đưa tay ra sau sờ ghế mình đang ngồi.”
(Phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ “Năm mới nhìn lại bài học 30 năm”, tháng 01/2006)
Đánh giá về đồng chí, cố Tổng bí thư Đỗ Mười đánh giá: “Anh Võ Văn Kiệt là con người rất thực tiễn, con người của công việc, miệng nói, tay làm, không hay lý luận. Nhưng khi chỉ đạo điều hành hoặc xử lý công việc về đối nội và đối ngoại, anh thể hiện nhất quán những tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc của Đảng một cách sinh động, triệt để”.
Còn nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã gọi đồng chí Võ Văn Kiệt là “nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta, người chiến sĩ cách mạng trung kiên, suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.”
Giáo sư Trần Văn Giàu đã đánh giá về đồng chí Võ Văn Kiệt như sau: “Võ Văn Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo được dân tin yêu nhất. Chỉ riêng cái tên Sáu Dân đã nói lên cốt cách của Võ Văn Kiệt. Sáu Dân là vậy đó. Một ông thủ tướng nói ít, làm nhiều, gần dân, dân mến…
Con người ấy là một người bạn chân thật… Đó là một người bạn chơi được!”.
Không chỉ có “người đàng mình” nói tốt về đồng chí Võ Văn Kiệt mà những nhân vật đã từng “ở phía bên kia” cũng đánh giá cao ông. Như ông Nguyễn Văn Hảo – nguyên phó thủ tướng chính quyền Sài Gòn đã bộc bạch: “Vì anh Sáu, tôi mới ở lại Việt Nam sau 1975, và sau khi ra đi rồi trở về Việt Nam giữa thập niên 1990, tôi trở về cũng vì anh Sáu!”
“Là một động lực quan trọng thúc đẩy cải cách kinh tế ở Việt Nam những năm 80, ông Võ Văn Kiệt đã mở đường để đất nước chuyển đổi từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục”, nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã viết như vậy về đồng chí Võ Văn Kiệt vào năm 2008.
Đó cũng là những phẩm chất khiến cho đồng chí Võ Văn Kiệt trở thành vị Thủ tướng xuất sắc bậc nhất của Việt Nam từ trước đến nay và khi đồng chí mất đi, các lãnh đạo quốc tế đều bày tỏ sự tiếc nuối cũng như dành không ít lời ca ngợi.
Do có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, nhiều huân chương, huy chương cao quý khác và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Dù đã rất cố gắng nhưng những điều kể ra trong bài viết này chắc chắn sẽ không thể nào thể hiện được hết tầm vóc Võ Văn Kiệt – dấu ấn Sáu Dân trong lòng nhân dân Việt Nam nói chung và người dân thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Chi bộ 7
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- NXB Chính trị Quốc gia, 2012. Võ Văn Kiệt – Một Nhân Cách Lớn; Nhà Lãnh Đạo Tài Năng; Suốt Đời Vì Nước Vì Dân (Hồi Ký) <https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/book/sach-chinh-tri/vo-van-kiet-mot-nhan-cach-lon-nha-lanh-dao-tai-nang-suot-doi-vi-nuoc-vi-dan-hoi-ky-323> [Ngày truy cập: 23 tháng 03 năm 2022].
- Tạp chí điện tử Đầu tư tài chính, 2018. Nhìn lại những dấu ấn của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt <https://vietnamfinance.vn/nhin-lai-nhung-dau-an-cua-co-thu-tuong-vo-van-kiet-20180504224208018.htm> [Ngày truy cập: 23 tháng 03 năm 2022].
- Báo Quân khu 7, 2017. Dấu ấn đồng chí Võ Văn Kiệt ở Sài Gòn – Gia Định – TP Hồ Chí Minh <https://baoquankhu7.vn/dau-an-dong-chi-vo-van-kiet-o-sai-gon-gia-dinh-tp-ho-chi-minh> [Ngày truy cập: 15 tháng 10 năm 2022].
- Báo Tuổi trẻ điện tử, 2006. Năm mới nhìn lại bài học 30 năm <https://tuoitre.vn/nam-moi-nhin-lai-bai-hoc-30-nam-116277.htm> [Ngày truy cập: 20 tháng 10 năm 2022].
- Báo Tuổi trẻ điện tử, 2008. Ký ức về Võ Văn Kiệt – Kỳ 2: Một cái tên bắt đầu một sự nghiệp <https://tuoitre.vn/ky-uc-ve-vo-van-kiet—ky-2-mot-cai-ten-bat-dau-mot-su-nghiep-263128.htm> [Ngày truy cập: 22 tháng 09 năm 2022].
- Báo Tuổi trẻ điện tử, 2008. Không ai chọn cửa mà sinh ra <https://tuoitre.vn/khong-ai-chon-cua-ma-sinh-ra-263185.htm> [Ngày truy cập: 22 tháng 09 năm 2022].
- Báo Tuổi trẻ điện tử, 2012. Hãy cứ nói Sáu Dân ơi sai rồi <https://tuoitre.vn/hay-cu-noi-sau-dan-oi-sai-roi-521697.htm> [Ngày truy cập: 22 tháng 09 năm 2022].
- Báo Tuổi trẻ điện tử, 2012. Người bạn của văn nghệ sĩ <https://tuoitre.vn/nguoi-ban-cua-van-nghe-si-521893.htm> [Ngày truy cập: 22 tháng 09 năm 2022].