Bối cảnh lịch sử và sự ra đời Đảng Cộng Sản Việt Nam
BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ SỰ RA ĐỜI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Hồ Nhựt Quang
(Sưu tập)
Gần một thế kỷ trôi qua kể từ ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Khoản thời gian với biết bao thăng trầm của lịch sử với những chiến thắng vẻ vang, chiến tích hào hùng trong thời chiến, những thành tựu nổi bật về kinh tế, chính trị, xã hội trong thời bình đã viết nên những trang sử hào hùng, đầy tự hào của dân tộc và của Đảng ta. Nhân kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng, 03/02/1930-03/02/2022, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những bối cảnh lịch sử và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, bắt đầu xâm lược Việt Nam, từng bước thiết lập chế độ thống trị tàn bạo, phản động của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta.
Về chính trị, chúng trực tiếp nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước, thi hành chính sách cai trị chuyên chế, biến một bộ phận của giai cấp tư sản mại bản và địa chủ phong kiến thành tay sai đắc lực, tạo nên sự cấu kết giữa chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai, đặc trưng của chế độ thuộc địa. Sự cai trị của chính quyền thuộc địa đã làm cho nhân dân ta mất hết quyền độc lập, quyền tự do dân chủ; mọi phong trào yêu nước bị đàn áp dã man; mọi ảnh hưởng của các trào lưu tiến bộ từ bên ngoài vào đều bị ngăn cấm.
Về kinh tế, chúng triệt để khai thác Việt Nam, bóc lột tàn bạo nhân dân ta, thực hiện chính sách độc quyền, kìm hãm sự phát triển kinh tế độc lập của nước ta. Từ đó đã đẩy nhân dân ta vào cảnh bần cùng, làm cho nền kinh tế bị què quặt, lệ thuộc vào kinh tế Pháp, để lại hậu quả nghiêm trọng, kéo dài.
Đến đầu thế kỉ XX, tình hình hết sức biến động, đặc biệt sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Pháp là quốc gia thắng trận nhưng kinh tế gần như bị sụp đổ. Để khôi phục ngân khố quốc gia, Pháp ra sức bóc lột các quốc gia thuộc địa để làm giàu, trong đó có Việt Nam. Chúng bắt dân ta làm việc trong các hầm mỏ, đi phu đồn điền cao su (cao su đi dễ khó về/ khi đi trai tráng khi về bủng beo/ cao su đi dễ khó về/ khi đi mất vợ khi về mất con). Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý (như thuế đò, thuế chợ, thuế muối, thuê thân,…) vô nhân đạo, kể cả duy trì bóc lột kiểu phong kiến …
Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân ngày càng gay gắt. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ ở các nước thuộc địa.
Năm 1917, với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác -Lênin từ lý luận đã trở thành hiện thực, mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người; là ánh sáng soi đường cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Giữa lúc ấy, Quốc tế Cộng sản (còn gọi là Quốc tế III) ra đời vào tháng 3 năm 1919, đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đối với Việt Nam, Quốc tế Cộng sản có vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng với nhóm thanh niên yêu nước Việt Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc) thành lập Hội VNCMTN. Hội này đưa thanh niên trong nước ra Quảng Châu, huấn luyện họ, rồi phái họ trở về tuyên truyền và tổ chức khắp cả nước.
Năm 1929, trong khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi vắng, Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh niên (VNCMTN) khai mạc toàn quốc ở Hương Cảng. Ðại biểu Bắc Kỳ đề nghị tổ chức Ðảng Cộng sản, bị gạt đi, liền bỏ hội nghị ra về.
Sau đó, trong nước dần dần thành lập ba nhóm cộng sản: Ðông Dương Ðảng Cộng sản, An Nam Cộng sản Ðảng, Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Một nước mà ba đảng cộng sản. Cả ba nhóm đều ngầm hiểu như thế là sai. Quần chúng đều hiểu rằng như thế là không đúng. Cả ba nhóm đều tìm cách để đi đến thống nhất. Nhưng bệnh hẹp hòi và cách làm không khéo, cho nên càng muốn gần nhau, lại càng xa nhau.
Trước tình hình xuất hiện ba tổ chức cộng sản trong một nước. Quốc tế cộng sản đã gửi thư cho những người cộng sản ở Đông Dương nêu rõ: “nhiệm vụ quan trọng hơn hết và tuyệt đối cần kíp của tất cả những người cộng sản Đông Dương là sớm lập một đảng cách mạng của giai cấp vô sản, nghĩa là một đảng cộng sản quần chúng. Đảng ấy phải là một đảng duy nhất và ở Đông Dương chỉ có đảng ấy là tổ chức cộng sản mà thôi”. Quốc tế cộng sản đã chỉ thị cho đồng chí Nguyễn ái Quốc chịu trách nhiệm “hợp nhất các phần tử cộng sản chân chính lại, để thành lập một đảng duy nhất”. Nhận chỉ thị này, mùa thu nǎm 1929, đồng chí Nguyễn ái Quốc từ Thái Lan trở lại Hương Cảng chuẩn bị kế hoạch thực hiện nhiệm vụ lịch sử trọng đại nói trên.
Hội nghị được tổ chức bí mật từ ngày 6/1 đến ngày 8/2/1930 tại Cửu Long, Hương Cảng, Hồng Kông. Tham dự Hội nghị có 7 đồng chí: hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản đảng là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh, hai đại biểu của An Nam Cộng sản đảng là Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu hai đại biểu hải ngoại gồm Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn. Đông Dương Cộng sản liên đoàn không kịp gửi đại biểu đến dự. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị.
Sau nhiều ngày thảo luận, các đại biểu cuối cùng đã nhất trí bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác thống nhất các tổ chức thành một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, cử Ban Chấp hành trung ương lâm thời gồm 7 ủy viên.
Ðể giữ bí mật, các đại biểu tổ chức hội nghị trong căn nhà cũ nhỏ bé của một công nhân ở Cửu Long Thành, thuộc khu nhà ổ chuột với những túp liều bằng tôn và cát tông chen chúc nhau nằm trên phần đất liền của Hồng Kông. Sau cuộc bàn bạc sôi nổi, và sau lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất cả ba nhóm thành một đảng.
Thế là Ðảng CSVN chân chính thành lập.
Sau Hội nghị, Đông dương Cộng sản Liên đoàn đề nghị xin gia nhập ĐCSVN, ngày 24/2/1930 BCH TƯ lâm thời chính thức chấp thuận đề nghị.
Như vậy, chỉ nửa tháng sau, kể từ ngày Hội nghị hợp nhất bế mạc, ba tổ chức cộng sản ở Đông Dương đã hoàn toàn thống nhất trong một đảng duy nhất – Đảng cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam tháng 2 nǎm 1930 có ý nghĩa như Đại hôi thành lập Đảng. Sau này, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị đã vạch ra một đường lối cách mạng và đường lối xây dựng Đảng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện một nước thuộc địa, nửa phong kiến như VN. Đường lối đúng đắn đó là điều kiện quan trọng nhất để ba tổ chức cộng sản nhanh chóng thống nhất ý chí và hành động, gánh vác sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội.
Tại Hội nghị BCH TƯ, họp Hội nghị lần thứ nhất tại Hương Cảng từ ngày 14 đến 31/10/1930, tên của Đảng được đổi thành Đảng Cộng Sản Đông Dương theo yêu cầu của Quốc tế Cộng Sản và đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên.
Từ ngày đầu, lực lượng rất mỏng với “Chi bộ ba người”, nhưng nhờ đoàn kết, tập hợp quần chúng, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, che chở, hiện Đảng Cộng sản Việt Nam có hơn 5.2 triệu đảng viên. Trong hơn 90 năm qua, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta trong hành trình bền bỉ bảo vệ, dựng xây đất nước, làm nên những kỳ tích vĩ đại:
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công dẫn đến sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Đó là sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc.
Năm 1945-1946, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân vượt qua những khó khăn, thách thức nặng nề, “ngàn cân trao sợi tóc”, chống thù trong, giặc ngoài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc với quyết tâm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế” Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”. Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 là thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với những chân lý bất hủ “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó còn là thắng lợi tất yếu của sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng ta với đường lối và phương pháp cách mạng độc lập, tự chủ, sáng tạo, giương cao ngọn cờ “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.
Trong 45 năm kháng chiến chống các thế lực ngoại xâm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ và trở thành đại diện thực sự của dân tộc Việt Nam.
Mọi thành tựu của Việt Nam ngày nay đều là kết quả của những đóng góp to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc hoạch định, chỉ đạo và áp dụng những chiến lược phù hợp cho sự phát triển toàn diện đất nước, khắc phục tình trạng đói nghèo, mù chữ, kém phát triển, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nói một cách dễ hiểu, Việt Nam ngày nay là sự phản chiếu của Đảng Cộng sản Việt Nam và những đóng góp của Đảng đối với đất nước.
Trải qua hơn 90 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 12 kỳ Đại hội với 11 đồng chí Tổng bí thư: Đ/c Trần Phú, đ/c Lê Hồng Phong, đ/c Hà Huy Tập, đ/c Nguyễn Văn Cừ, đ/c Trường Chinh, đ/c Lê Duẫn, đ/c Nguyễn Văn Linh, đ/c Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, đ/c Nông Đức Mạnh, và hiện tại là Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Mỗi kỳ Đại hội Đảng là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận, đánh dấu những thắng lợi, những thành tựu và những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam.
Và hiện tại là Đại hội XIII của Đảng đã diễn ra từ ngày 25/1/2021 đến ngày 2/2/2021 tại thủ đô Hà Nội, đây là một sự kiện chính trị trọng đại, không chỉ thu hút sự quan tâm đặc biệt của người Việt Nam ở trong và ngoài nước, mà cả bạn bè quốc tế.
Đại hội XIII của Đảng diễn ra khi cả thế giới đang đối mặt với một giai đoạn khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Tạp chí “Thế giới đa cực” của Nga gọi đây là “cột mốc lịch sử của Việt Nam,” bởi “những quyết định và nghị quyết được thông qua tại Đại hội có ý nghĩa hết sức to lớn đối với một đất nước có gần 100 triệu dân, đang phát triển năng động và tự tin hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Năm 2022 với nhiều trăn trở, lo lắng về đại dịch Covid- 19 với những biến thể mới hình thành như Omicron, BA2,….Hơn lúc nào hết, dân tộc Việt Nam sẽ cùng nhau đoàn kết vượt qua những khó khăn, trở ngại để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng dưới sự lãnh đạo xuyên suốt và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguồn tài liệu: Đảng bộ trường THPT Lê Hồng Phong TP. Hồ Chí Minh